9/8/14

Boris và Tanhia (БОРИС И ТАНЯ) – 6 (Công viên ở Leningrat)

Đã gần một năm, sau 5 kỳ, hôm nay Ký sự nhiều kỳ Boris và Tanhia (БОРИС И ТАНЯ) mới được viết tiếp.
БОРИС И ТАНЯ – 6 (Công viên ở Leningrat)
Sóng đôi dạo bước

Như đã kể ở Kỳ 3 - Rạp xi nê và nhà hát, chàng Boris hay rủ nàng Tanhia đi dạo công viên hoặc vườn hoa. Thường hay đi các công viên không quá xa hoặc các vườn hoa nhỏ gần ốp (ký túc xá) của mình.
Vườn hoa (không nhớ tên) gần rạp phim Briboi là hay đi nhất. Vì nó tiện đường đi ăn tối, cả đi cả về. Dịp hè, trời nắng ấm, lá cây xanh thẫm tươi rói, hoa các loại nở rực rỡ.
Chàng và nàng sóng đôi, hàn huyên đủ thứ chuyện. Có những lúc hứng khởi, tay trong tay tung tăng như còn tuổi thiếu niên, mặc dù cả đôi cũng vừa thoát khỏi lứa tuổi đó mới được dăm năm.
Thời gian đi sóng đôi hợp lý nhất là những khi sau bữa cơm tại các  cтоловая (tiệm ăn tự phục vụ) gần nhà. Những lúc đó đương nhiên là đi chậm rãi rồi. Những câu bông đùa có, rồi những thủ thỉ tâm tình… Có lúc chàng Boris nổi hứng thể hiện một nụ hôn điệu đà, ngay giữa “ban ngày ban mặt” mà nàng Tanhia cũng chịu để yên. Rõ là… Tây. Hành động này mà ở Việt Nam thời kỳ đó thì… “thôi rồi Lượm ơi”.
Công viên ở St. Petersburg
St. Petersburg ngày nay có hơn 200 công viên và vườn. Ngoài ra có thể kể thêm 700 quảng trường có cây xanh, hơn 1000 đường phố có nhiều cây cổ thụ. Nói cô đọng hơn, bao quát hơn là có 2.000 ha cây xanh, bình quân 56 m2 cây xanh trên đầu người cho thành phố trên 5 triệu dân. Bởi vậy, St. Petersburg được công nhận là thành phố xanh nhất trong các thành phố lớn nhất của Liên bang Nga.
Vườn Alexander
Vườn được xây dựng trong những năm 1872-1874 trên mảnh đất mà trước đó là quảng trường Bộ Hải quân. Nó chính thức được khai trương vào năm 1874. Ngay từ năm 1880, tại đây đã có một đài phun nước theo nhạc hoặc theo vũ điệu. Đầu thập niên 1920, Vườn Alexander được khôi phục lại.
Vườn Alexander nằm phía sau bộ hải quân, đầu đại lộ Nevsky Prospekt. Ta chỉ mất 10 phút đi bộ thư giãn về phía quảng trường Cung điện từ bến tàu điện ngầm Nevsky Prospekt.
Vườn Bách thảo
Khu vườn này được thành lập vào năm 1714. Có một bộ sưu tầm phong phú có xuất xứ từ khắp mọi miền trên thế giới.
Vườn Bách thảo nằm ngay trên phố Ulitsa Professora Popova, cách ga tàu điện ngầm Petrogradskaya không xa. Vượt qua sông Karpovka, và đi dọc theo đường phố Ulitsa Professora Popova khoảng hai trăm mét là tới.
Vườn Catherine
Vườn Catherine được xây dựng trong những năm 1820.
Tại đây có phòng thư viện do Rossi xây dựng, được đánh giá là một trong những thư viện quan trọng nhất thế giới.
Vườn Catherine ở phía trước nhà hát Alexandriinsky, nằm giữa nhà hát và đại lộ Nevsky Prospekt.
Vườn bách thú Leningrad
Vườn bách thú Leningrad nằm trong công viên Alexander. Khu bách thú này được thành lập bởi hai người yêu động vật là Sofia và Julius Gerhardt vào năm1865.
Vườn Mùa Hè
Vườn Mùa Hè nằm ngay tại nơi mà con sông Fontanka hòa cùng vào dòng Neva. Khu vườn này được xây dựng vào năm 1704.
Vườn Mùa Hè là nơi đặt những bức tượng bằng đá cầm thạch thu được trên khắp châu Âu, ở đây còn được trồng các loại hoa và thực vật quý hiếm, cũng như các đài phun nước được xây dựng rất công phu. Đến thế kỷ 17 và 18, trên những con đường trong khu vườn được trang trí thêm 79 bức tượng điêu khắc bởi các nhà điêu khắc người Ý như Boratta, Bozzazza, và nhiều người khác nữa – đó là bộ sưu tập tượng công viên lâu đời nhất của nước Nga. Có một bức tượng của nhà thơ ngụ ngôn vĩ đại của nước Nga là Ilya Krylov do nhà điêu khắc Pyotr Klodt tạc dựng.
Vườn Mùa Hè nằm kế tiếp Marxovo Pole và lâu đài Thánh Michael. Để đến được đây, chúng ta sẽ đi tàu điện ngầm đế ga Gostiny Dvor, băng qua đại lộ Nevsky Prospekt và đi tiếp đến phố Sadovaya Ulitsa cho đến khi đến được lâu đài Thánh Michael. Một trong hai cổng vào vườn Mùa Hè nằm ngay phía sau lâu đài, bắc ngang qua con kênh.
Công viên Marsovo
Công viên Marsovo có một lịch sử lâu đời và đa dạng kể từ ngay những ngày đầu lịch sử của thành phố St. Petersburg.
Năm 1957, ngọn lửa vĩnh cửu đã được thắp sáng trên công viên Marsovo để tưởng nhớ những người đã chết của thành phố St. Petersburg trong tất cả những cuộc cách mạng và những cuộc chiến tranh.
Từ đại lộ Nevsky ProspeKt hoặc bến tàu điện ngầm Gostiny Dvor, đi thẳng dọc theo kênh Griboedov đến nhà thờ Chúa, rồi đi vòng qua nhà thờ, sau đó băng qua sông Moika, là đến công viên Marsovo.
(Nguồn tham khảo: thamhiemvietnam.com)
 (Còn nữa)
An Bường
9/8/2014
Xem thêm: