13/7/15

Bút ký Thái Lan: THÁI LAN KHÔNG YINGLUCK!

(BA CANG)- Đọc quá đã, GS ơi.
Một bài ký ngắn mà GS đề cập được mấy nội dung rất chân thực và sinh động:
     1.   Tình hình và năng lực tổ chức du lịch của TL.
     2.   Đánh giá về du khách từ TQ.

     3.   Nhận xét ngắn về thị hiếu du lịch của số đông du khách VN trong chuyến đi (khác với thị hiếu của GS muốn tìm hiểu kỹ về văn hóa cổ truyền TL).
4.   Một vài nét hấp dẫn của đất nước TL.
5.   Nền chính trị TL sau đảo chính Yingluck.
6.   Ưu điểm và nhược điểm của tuyến giao thông thuyền sông nội đô ở Bangkok (tạm so sánh như xe bus trên sông). Kinh nghiệm gợi mở cho TP HCM.
Hy vọng, nếu GS có thời gian, GS sẽ viết các bài tiếp, chi tiết hơn nữa về chuyến du lịch bình dân 5 ngày vừa qua ở TL. Xin phép GS được đăng lại bài này trên blog SIAMVIETblog BA CANG (có ghép các hình đăng ở cả blog và FB của GS). Cảm ơn GS.
An Bường/Ba Cang

Mời đọc:
Bút ký Thái Lan: THÁI LAN KHÔNG YINGLUCK!
(GS Nguyễn Đăng Hưng)- Chúng tôi lại đi du lịch Thái Lan, hơn một năm sau ngày đảo chính. Chế độ quân phiệt mới hình như đã thành công trong việc truất phế nữ Thủ Tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra và Thái Lan gần như đã lấy lại ổn định chính trị, ít ra ở bề nổi.
Đông đảo khách du lịch quốc tế trở lại với Thái Lan, nhất là khách Tàu và khách Hàn.
Thật là khó khăn khi phải chen chân với khách Tàu, bởi họ sang Thái Lan quá đông và có phần thiếu ý thức, không hổ danh là khách du lịch thiếu văn hóa nhất thế giới. Họ chen lấn, ồn ào, khiếm nhã, thiếu vệ sinh ở khắp nơi. Con người xã hội mang màu sắc Trung Cộng thật dễ nhận diện. Nghe nói cơ quan chúc năng du lịch Thái đã phải lên lớp các đoàn du lịch Tàu Cộng về cách ứng xử cần thiết ở xứ Thái, nhưng với những gì tôi đã chứng kiến thì việc ấy không mấy thành công. Trong tất cả các bài học, bài học về văn hóa ứng xử có lẽ là khó tiếp thu nhất. Cá nhân có thể thuộc bài, nhưng trong cộng đồng khi đi chung, nó lại xuất hiện như một vết nhăn của xã hội trong quá trình xuống cấp đã lâu dài triền miên.
Nhìn họ, tôi đã phải tự bảo: Nếu sẽ phải bị dân tộc này đô hộ thì thà chết còn hơn…
Lần này tôi cố tình hòa đồng vào một chương trình du lịch đại chúng của một hãng du lịch nhà nước lớn nhất ở Việt Nam. Chương trình lu lịch thể hiện thị hiếu hiện đại của số đông người. Đối với tôi chẳng có gì đáng ghi nhận qua chuyến đi này. Thậm chí tôi hơi thất vọng vì chương trình tham quan chẳng gây cho tôi ấn tượng nào về nét cổ truyền của văn hóa Thái.
Điều đáng nói là khác với Việt Nam, Thái Lan không có nạn tự phá hoại hình ảnh của đất nước: buôn bán chém chặt, quấy nhiễu du khách, ăn xin đễu…
Ngày cuối cùng của 5 ngày ở Thái Lan, chúng tôi được tự do. Chúng tôi chọn phượng tiện giao thông bằng thuyền. Đây không phải là thuyền riêng cho khách du lịch mà là những chiếc thuyền trang bị khá thô sơ dành cho giới bình dân đi lại. Lên xuống thuyền khá khó khăn và trong suốt chuyến đi chúng tôi chỉ đứng vì chỗ ngồi đã bị chiếm hết, mà khách thì đông nghẹt. Di chuyển bằng nghe thuyền ở Bangkok khác xa với Venise, Bruges, Paris hay Amsterdam. Nước sông đục ngầu, bến đỗ còn nhiều bất cập và mùi ống cống thường bốc lên như nhắc nhở đây không phải chỗ dành cho du khách!
Điều đáng ngạc nhiên là bằng phương tiện này chúng tôi tránh được nạn kẹt xe thường trực và khủng khiếp ở Bangkok.
Tôi tự hỏi chừng nào Sài Gòn mới nghĩ đến phương tiện giao thông hữu hiệu này? Với hệ thống sông rạch kênh đào đang được hồi phục và cải tạo, đầu tư cho hệ thống giao thông đường thủy trong lòng thành phố sẽ là hướng cần nghĩ tới trong tương lai trước mắt. Chi phí cho việc đầu tư  hệ thống này có lẽ sẽ ít hơn nhiều so với đường bộ vì phần đền bù giải tỏa gần như không có. Huống nữa, việc củng cố và khơi nguồn hệ thống đường thủy sẽ là giải pháp tốt giúp giải quyết, thoát ra tình trạng ngập nước đang nan giải hiện nay cho thành phố Sài Gòn.
Sau Yingluck, Thái Lan sẽ còn gì?
Tướng Prayuth Chan-ocha cũng như các tướng tá đảo chính trước đây, có lẽ sẽ không để lại dấu ấn nào đặc biệt?
Điều chắc chắn là hình ảnh còn đậm nét chính là Quốc vương Thái Lan, Bhumibol Adulyadej, vị vua thời hiện đại được dân Thái đồng loạt kính trọng, có thời gian trị vì dài nhất (69 năm) trong lịch sử các Vương triều.
Và còn nữa sẽ là hình ảnh những nụ cười hiền hoà khiêm cung của phụ nữ Thái, hình ảnh rộng mở bao dung của các ngôi chùa thờ Phật…
Nguyễn Đăng Hưng, Sài Gòn ngày 13/7/2015

Hình ảnh:








Nguồn: http://www.ndanghung.com/bai-viet/2015/07/13/but-ky-thai-lan.html/










Nguồn: https://www.facebook.com/h.nguyendang