11/8/13

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 3: Kỳ tích sinh tồn cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 3: Kỳ tích sinh tồn cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi
Câu chuyện về hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) sống biệt lập ở một cái chòi rộng khoảng 3-4 mét vuông trên thân cây rừng nằm sâu trên đỉnh núi Apon, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 40 năm qua,

nay trở về lại làng đã khiến nhiều người kinh ngạc, tò mò.
Cuộc sống trong rừng sâu
Ông Hồ Văn Thanh trước đây từng đi bộ đội chính quy, bám trụ ở vùng căn cứ cách mạng địa phương vùng Tây Quảng Ngãi, thuộc Quân khu 5. Trong một trận càn của địch khoảng năm 1972-1973, hai người con và mẹ ruột của ông Thanh đã tử vong vì bom đạn. Đau buồn đến quẫn trí nên ông đã ôm theo người con thứ 3 chưa tới một tuổi rời làng và không quên mang theo bộ đồ bộ đội từng theo ông trong những ngày tháng chiến đấu giữa núi rừng Tây Trà.
Cuộc sống của cha con ông Thanh ở nơi rừng sâu 40 năm qua quả là rất lạ. Người cha đã tự “chiến đấu” để nuôi mình và nuôi con. 
Nơi ở của cha con ông Thanh nhìn từ xa như một tổ chim lớn trên cây chò già và được chống đỡ bởi hàng chục cây lồ ô. Cách căn chòi lá vài mét là dòng suối chảy róc rách theo máng hứng làm bằng nửa thân cây lồ ô. Đây là nguồn nước sinh hoạt của cha con ông Thanh.
Căn chòi lá nằm cách mặt đất hơn 5m, bên dưới có hàng chục cây lồ ô nhuốm màu rêu phong chống đỡ. Xung quanh “nhà” có rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Ảnh: Trí Tin.
Muốn lên được căn chòi lá này, dân làng phải leo lên chiếc thang làm bằng thân cây rừng được buộc bằng những sợi mây. Mái chòi được lợp bằng các loại lá chuối khô, mây rừng và lá cây sộp đan chồng lên nhau. Ngoài khoảnh nhỏ làm bếp để sưởi ấm, nấu ăn, khoảng trống còn lại trong chòi chỉ đủ cho cha con ông Thanh nằm.
Trong căn chòi chật hẹp, vật dụng sinh hoạt cùng nhiều ống lồ ô nhuộm đen màu khói tro dùng để chứa lương thực dự trữ. Ảnh: Trí Tin.
Vật dụng ban đầu mang theo quá ít ỏi, gồm ít thóc giống, 1 con heo nái, 1 cây xà gạc. Ông, rồi con ông, tự tìm kiếm những vật dụng còn sót lại trong rừng là những mảnh đạn bom mang về, chế tác thành những đồ vật như rựa, dao, búa, nồi, lược, v.v… Hai cha con dùng lá, vỏ cây bện và đan thành tấm mặc thay quần áo và đi mưa cho khỏi ướt.
Những dụng cụ cha con "người rừng" tự chế để sản xuất và sinh hoạt.

Chiếc lồng bẫy chim phủ đầy than tro do hai cha con ủ lửa suốt ngày đêm trong căn chòi. Ảnh: Trí Tin.

Cung tên săn bắn thú. Ảnh: Trí Tin.
Và điều làm nhiều người ngạc nhiên là dù phải mặc khố, áo bằng lá và vỏ cây, nhưng các bộ đồ của cha con "người rừng" mang theo từ 40 năm trước được gói giữ cẩn thận và còn nguyên vẹn như chưa được sử dụng bao giờ.
Chiếc áo ngày thơ bé của anh Lang được ông Thanh dùng lá dong rừng gói ghém, cất giữ cẩn thận giữa rừng sâu còn nguyên vẹn đến nay.

Kỷ vật rất thiêng liêng nên ông Thanh cất giữ. Ảnh: Võ Hoàng Uyên.

Chiếc quần bộ đội mà "người rừng" giữ gìn suốt 40 năm qua. Ảnh: Trí Tin.

Có áo bộ đội nhưng “người rừng” Thanh chỉ mặc… áo tự làm từ vỏ cây rừng
Ông Hồ Văn Tâm là cháu ruột, con anh trai ông, cho biết vào khoảng năm 1986, khi vào thăm bác thì thấy nương lúa chín vàng rụng đầy xuống đất nhưng không thu hoạch. Khi hỏi thì ông Thanh trả lời: "Lúa đó được gieo từ giống mang vào lần trước. Nhưng vì nó của người làng cũ, còn tao ở làng mới nên chỉ xem thôi, không lấy được".
Con trai út của ông Thanh là Hồ Văn Tri, mới sơ sinh vào thời điểm cha bỏ trốn vào rừng, kể “mãi đến năm 12 tuổi tôi mới theo bác ruột tìm gặp cha và anh trai sống trong căn chòi lá làm ở trên cây cao". 
Sau lần gặp ấy, mỗi năm hai lần anh Tri gùi muối, dầu hỏa và cây rựa mang vào rừng sâu dù đến giờ cha và anh trai vẫn chưa nhận ra anh là người ruột thịt. Mỗi lần vào thăm anh Tri đều ngủ ven suối, không dám ngủ trên chòi với cha và anh trai mình vì... sợ.
Để tồn tại giữa rừng già hoang vắng, ngoài việc làm chòi lá trên cây cao tránh thú dữ, cha con ông Thanh còn biết ủ tro bếp giữ lửa hay đến những khu rẫy lân cận tìm giống lúa, bắp, mè, mía và thuốc lá mang về trồng. Bên dưới căn chòi, những dây trầu mọc lên xanh tốt.
Ông Hồ Minh Lâm, cháu ruột ông Thanh, cho biết, nhiều lần dân làng lên núi làm rẫy đã mang quần áo, xoong nồi, rìu, rựa cho cha con ông Thanh nhưng ông lão vẫn gói lại để trong chòi, ít khi dùng đến. Hàng ngày hai cha con chỉ mặc mỗi chiếc khố bện bằng vỏ cây, tự chế ra những dụng cụ để giã gạo lúa, mì thành bột. Hay mày mò làm ra rất nhiều lê, mác, cung tên, bẫy, rìu... để săn bắt thú rừng, sống cuộc đời hoang dã. 
Để vượt qua những mùa đông giá rét, cha con ông Thanh đã ủ lửa trong chòi và hút thuốc lá để làm ấm cơ thể. Kiểm tra căn chòi, dân làng phát hiện nhiều loại thịt thú rừng, trong đó có thịt chuột phơi khô và hàng chục ống lồ ô lớn chứa đầy lương thực dự trữ như lúa, mè và ớt khô. Cha con "người rừng" còn gói ghém cẩn thận răng và mật của nhiều loài thú dùng làm trang sức và chữa bệnh.
Lá thuốc giúp cha con ông Thanh vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong rừng sâu 40 năm qua. Ảnh: Trí Tin.
Ngoài ra, ông Thanh còn được cho là đã nghĩ cách nấu chín củ mì (sắn), sau đó dùng chày giã nát rồi lấy lá dong gói bánh cúng tế "thần rừng".
Các câu hỏi: Vì sao cha con ông sống được và không chịu trở về làng?
Nhiều người dân Tây Trà khẳng định nếu ông Thanh không bị ốm nặng nằm thoi thóp, thì chắc chắn sẽ không ai có thể đưa được 2 cha con "người rừng" về lại làng. Sự kiên quyết cắt đứt với cộng đồng của cha con ông Thanh khiến dư luận không khỏi thắc mắc.
Theo lời giải thích của một số cán bộ ở xã Trà Phong, nguyên do chính là ông Thanh bị tâm thần nên ôm con trốn vào rừng sâu suốt 4 thập kỷ. Tuy nhiêu lời giải thích này khó thuyết phục.
Ông Hồ Văn Tâm, cháu ruột của ông Thanh, giải thích "do không chịu đựng nỗi ám ảnh trước cái chết của mẹ và con mình do bom đạn thời chiến tranh nên ông Thanh mới bỏ làng trốn vào rừng sâu" có sức thuyết phục nhiều hơn.
Ngoài ông Tâm và một ít người bà con, không ai có thể tiếp cận được cha con ông Thanh. Nếu nghe có tiếng chân, hoặc thấy bóng dáng người lạ thì lập tức 2 "người rừng" liền bỏ chạy vào sâu trong rừng.
Anh Lê Văn Nguyên (46 tuổi), một thợ săn trầm đã giải nghệ ở Tây Trà, nhớ lại: "Một buổi trưa 7 năm trước, khi đi ngang qua chỗ ở của cha con “người rừng” thì thấy trên chòi có khói. Vừa định trèo lên xem thử thì bất ngờ nhiều khúc cây, thanh lồ ô từ trên chòi ném xuống tới tấp. Sợ bị thương nên tôi chạy ra xa đứng nhìn một lúc rồi bỏ đi".
Những ngày đầu trở về
Dân quân khiêng võng ông Thanh đang bị ốm. Ảnh: Trí Tin.

Anh Lang mặc mỗi chiếc khố bện bằng vỏ cây. Ảnh: Trí Tin.

Giữa cơn mưa rừng chiều 9/8, anh Lang tỏ vẻ thích thú ra trước sân nhà tắm mưa thỏa thích. Hồ Ka Ny, người cháu ruột giúp bác kỳ cọ lưng sau 3 ngày từ rừng sâu trở về. Ảnh: Trí Tin.

Lần đầu tiên sau 40 năm, đôi chân hoang dã của "người rừng" được mang dép. Ảnh: Trí Tin.

Và "bản lĩnh" nhất là với các công việc cần đến sức khoẻ khi dễ dàng bổ nát khúc củi bằng rìu tự chế của mình mang về từ rừng sâu. Ảnh: Trí Tin.

Lần đầu tiên ngồi trên xe máy, anh Lang vừa sợ hãi vừa tỏ vẻ thích thú. Ảnh: Trí Tin.
Sự quan tâm của chính quyền và xã hội
Trong sáng 9/8, ngay sau khi cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh trở về địa phương, Đảng uỷ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã đến tận bệnh viện huyện Tây Trà thăm hỏi “người rừng” là cựu binh Hồ Văn Thanh. Cán bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã thăm hỏi và làm việc với chính quyền địa phương về việc làm hồ sơ, truy tìm các tài liệu, hồ sơ cũ để nhanh chóng giải quyết chế độ chính sách cho “người rừng” Hồ Văn Thanh. Đoàn đã đến nhà ông Hồ Minh Lâm, thăm hỏi con của “người rừng” Hồ Văn Thanh là Hồ Văn Lang, đồng thời tặng quà là 5,5 triệu đồng tiền mặt, 10kg gạo cùng các nhu yếu phẩm như muối, bột nêm, dầu ăn để hai cha con “người rừng” này sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống mới khi trở về làng.
Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện miền núi Tây Trà cho biết, sau khi cha con ông Thanh trở về, huyện đã đến thăm hỏi hỗ trợ lương thực giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Các cơ quan chức năng cũng được tăng cường, quản lý không để cha con ông Thanh quay lại rừng sâu. Nhằm tạo điều kiện cho cha con ông sớm hòa nhập cộng đồng, huyện hỗ trợ xây nhà và xem xét giải quyết các chế độ chính sách thương, bệnh binh cho ông trong thời gian sớm nhất. 

Báo chí quốc tế sững sờ vì cha con 'người rừng' Việt Nam

International Business Times đưa tin với tiêu đề "Tarzan có thật? Hai cha con được tìm thấy trong một khu rừng ở Việt Nam sau 40 năm chạy tránh bom". 
Tờ Express của Anh cũng gọi ông Thanh là "Tarzan". Tờ báo dẫn lời phóng viên Trí Tin của VnExpress kể lại: "Khi tôi nhìn thấy họ, tôi cứ tưởng như mình đang gặp Tarzan. Họ trần truồng, mặc đúng một cái khố nhỏ như Tarzan, tóc dài và bết bẩn. Trông họ ngờ nghệch và hoang dại". 
Tờ Telegraph chú ý hơn đến chi tiết những chi tiết cảm động trong cuộc sống của hai "người rừng" Việt Nam. Tờ báo kể rằng ông Thanh vẫn giữ gìn chiếc quần bộ đội từng mặc trong kháng chiến chống Mỹ, chiếc áo màu đỏ mà anh Lang từng mặc khi được cha bế bỏ trốn vào rừng.
Hãng tin AAP của Australia dẫn lời anh Tri nói: "Bố tôi rất yếu và đang được các bác sĩ chăm sóc, nhưng anh trai tôi thì vẫn khỏe mạnh, dù trông anh ấy hơi gầy". 
Daily Mail  Huffington Post còn tóm lược diễn biến, thống kê về thương vong và hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam. Qua xác minh, chính quyền huyện Tây Trà xác nhận ông Thanh từng là bộ đội chống Mỹ. Nhà ông bị dội bom vào khoảng năm 1972 khiến mẹ và hai con trai của ông qua đời. Đây là nguyên nhân đẩy gia đình ông Thanh vào cảnh bi thương và cha con ông phải trốn suốt 40 năm trong rừng thẳm.
Bài viết về cha con ông Hồ Văn Thanh của Daily Mail. Ảnh chụp màn hình.
Còn Đài Tiếng nói Nước Nga đưa tin, cha con người rừng Việt Nam Hồ Văn Thanh được phát hiện cách điểm dân cư khoảng 40 cây số. Người cha sử dụng thành thạo một phương ngữ còn người con trai ông chỉ nói được vài từ đơn giản.
Các báo khác như BBC, Mirror, Xinhua, Sky News, Heral Sun cũng đăng tải câu chuyện kỳ lạ này.
Nói chung, các báo nước ngoài đều ca ngợi tình phụ tử của cha con “người rừng” Việt Nam. Tuy nhiên, BBC cũng trích dẫn 2 luồng quan điểm trái chiều của độc giả Việt Nam về việc đưa cha con “người rừng” trở về, hòa nhập với xã hội. Một luồng ý kiến mừng cho sự trở về của cha con ông Thanh. Trong khi luồng ý kiến trái chiều cho rằng, việc đưa cha con “người rừng” trở chưa chắc đã tốt cho họ trong trường hợp họ không thể hòa nhập trở lại với cộng đồng.
Đôi điều mong muốn
Cần xem xét giải quyết các chế độ chính sách thương, bệnh binh cho ông Hồ Văn Thanh trong thời gian sớm nhất, tuy chưa rõ ông từng là bộ đội chính quy hay địa phương. 
Trường hợp của cha con ông Thanh quá ư là đặc biệt. Nên làm ngay sổ hộ tịch cho họ theo pháp luật hiện hành, nhưng cần có cách xử lý mềm dẻo, thích hợp nếu cha con ông quá nhớ rừng (cho phép tạm trú ở rừng sâu chẳng hạn).
Đảm bảo về mặt pháp lý cho cha con ông quyền sử dụng khu đất ở rừng sâu nơi họ đã ở, khai khẩn và canh tác suốt 40 năm qua.
Ông Thanh đã già yếu, không biết ông đã hết ấn tượng đau buồn của chiến tranh để chấp nhận trở lại với cộng đồng chưa và không biết lúc nào sẽ “trở về với đất”. Nhưng với anh Lang 41 tuổi, làm sao tự kiếm sống được ở môi trường sống hoàn toàn khác lạ. Mong sao có những điều tốt đẹp và kỳ diệu sẽ đến với cha con ông.

An Bường
Nguồn tham khảo và trích dẫn:
“Người rừng” 40 năm giữ kỷ vật bộ đội/Võ Hoàng Uyên/ khampha.vn
Theo Tri Thức/Những điều chưa kể về cha con 'người rừng' ở Quảng Ngãi/2sao.vn
Trở thành 'người rừng' sau trận bom kinh hoàng, Cha con 'người rừng' sống 40 năm trên cây, Căn chòi 2m2 trên đỉnh cây cổ thụ của cha con 'người rừng', 'Người rừng' bỡ ngỡ trước cuộc sống hiện đại/Trí Tín/ vnexpress.net
Báo chí quốc tế sững sờ vì 'người rừng' Việt Nam/Anh Ngọc/ vnexpress.net
Báo Tây kinh ngạc về cha con người rừng VN/Bạch Dương/kienthuc.net.vn

 (Còn nữa)
Xem thêm:

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 1: Gia đình “người rừng” Hà Thị Dinh ở Thanh Hóa

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 2: Người đẹp Kăn Đân vào rừng ở ẩn