(Ba Cang)- KỲ 5
20. Gia đình có thêm thành viên mới – Ma Li
20.1. Nơi cư ngụ thứ sáu của cả nhà An Tiêm
An Tiêm
làm nhà mới năm gian gần suối Sáng, mái nhà lợp vầu úp, nhà đơn sơ như nhà sàn,
nhà đất ven sông Cái.
20.2. Thả dưa trôi biển – Hữu ích và hy vọng
An Tiêm
đưa ra sáng kiến, mùa gió nồm cũng là mùa dưa, ta thả dưa xuống bể thì dưa trôi
vào bờ. Người trong bờ vớt được sẽ đoán nguồn gốc của mấy quả, có khi nhớ đến
nhà An Tiêm ngoài đảo hoang.
”Mỗi mùa dưa tới, công việc gửi hy vọng về đất lại rộn ràng
lên.
Quả dưa lềnh bềnh trôi theo gió nồm đưa vào bờ bến, không
biết bờ bến nào, nhưng mỗi quả dưa đem theo bao nhiêu mong ước, bao nhiêu chờ
đợi. Mỗi mùa dưa đỏ tới với chiêm bao đất quê phảng phất.[1]”
20.3. Thành viên mới của gia đình – Ma Li
Một cơn bão rồng cuốn nước ngập đến. Lại tan hoang như
năm nào. Nhưng cả 4 người và gấu bình an.
Sau cơn bão, Mon phát hiện có xác người trôi dạt vào khe đá ven biển.
Tô Hoài thật tài tình khi tả người bị đuối nước: người
nhợt nhạt, khuôn mặt thoáng mấp máy, rồi tóp tẹp miệng, hai mắt từ từ mở, lơ
láo nhìn, trí nhớ dần khôi phục.
Rồi những cảnh tả người này quá sợ sệt khi tỉnh dậy
nhìn thấy những người lông lá xồm xoàm, thấy gấu, hét lên rồi bất tỉnh tiếp.
Tô Hoài cũng có những cảnh sinh động tả gia đình An
Tiêm chăm sóc người bị nạn với sự vui mừng thật mộc mạc, chân tình, hồ hởi như
nhà có khách.
Người bị nạn vẫn chưa hết sợ, bỏ chạy trốn, rồi được
tìm đưa về…
“Sáng hôm sau, người ấy ngồi dậy. Thoạt trông thấy, lạ
lùng không tưởng tượng được. Cái người hôm qua khác hẳn người này. Người này đờ
đẫn, mặt trắng bệch ra như mặt nạ gỗ. Mớ tóc đen cứng của người khỏe mạnh thế
mà chỉ một đêm đã xám đến tận chân tóc. Hai con mắt hôm qua lim him nhắm, bây
giờ cứ mở tráo trâng, không biết nhắm nữa. Mí mắt đã cứng lại, con ngươi dại
đi, hai tròng mắt cứ trô trố muốn long ra.[2]”
Rồi cảnh
người bị nạn bị ngộ độc gió, cứ ngỡ đã chết rồi.
Rồi người
đó tỉnh táo hẳn, ăn trở lại, ăn rất nhiều đến mức: ”Cả nhà phải tất tả đi kiếm
ăn cho nó. Thế mà có lúc thèm quá, nó nhổ ăn cả cỏ. Cả nhà kiếm về đủ thứ: măng
tươi, măng khô, mật ong, hạt dẻ, thịt hươu khô, thịt hươu sấy. Một lon to tiết
hươu tươi đòng đọc cũng uống đến cạn một hơi mới chịu buông tay xuống. Tóc nó
bây giờ không rụng nữa. Tóc óng mỡ ra, cứng lại, tóc mới mọc - từ trong chân
tóc, tóc lại thẳng, tua tủa, đen nhánh.[3]”
Rồi người lạ lùng này học và nói được tiếng
Việt, cho biết tên là Ma Li, quê ở vùng đảo xa, đi trên đoàn thuyền và bị bão
biển trôi dạt vào đây.
Rõ ràng tâm trạng nhớ đất liền, thèm được gặp người là
một phần động lực để gia đình An Tiêm giúp Ma Li vượt qua nỗi sợ hãi cực độ ban
đầu, sợ “4 người rừng”, sợ gấu, sợ tới mức tưởng chết, người rũ “như tàu lá,
như ma dại”. Rồi Ma Li được giúp hồi phục sức khỏe, được ở lại, được coi như
người khách quý trong nhà. Ma Li quen dần, học tiếng Việt, cần cù chịu khó làm
việc, rồi được nhận làm con nuôi gia đình An Tiêm, do lớn hơn Mon nên được làm
anh cả.
Tại sao có thêm nhân vật này?
Đây có thể là một cách để tác giả Đảo Hoang kéo dài
câu chuyện. Nhưng đáng nói hơn và có thể suy luận rằng với chuyện cứu người
hoạn nạn, tác giả như muốn nói, những người tốt như gia đình An Tiêm bao giờ
cũng làm việc tốt, việc thiện.
21. Trở về đất liền, được vua đón gặp trọng thị
21.1. Những chuyện đồn thổi về quả dưa lạ
Mấy năm nữa tiếp theo, đến mùa gió gia đình An Tiêm
vẫn thả dưa ra biển. Dân các cõi đua nhau lội ở các vùng cửa biển để đón dưa,
vớt dưa.
Có thể có câu thắc mắc: Sao đất liền không nhân ngay giống
dưa giống như Mon, An Tiêm đã làm? (đến gần cuối truyện tác giả mới đưa việc này
vào)[4]
Có thể cảm tính để nói rằng tác giả Đảo Hoang đã cố
tính kết cấu như vậy để mới có những đoạn sau, không thì chuyện kể mau… kết
thúc à.
Này nhé, thậm chí, truyện có thêm những đoạn viết về
tin đồn thổi về quả dưa lạ thật hài hước, đáng yêu…
Chuyện ở vùng biển…
”Tiếng đồn: ra biển thấy được quả dưa to quá phải
dìu vào những dìu cá ông voi rồi hai người làm rọ xỏ đòn ống mới khiêng nổi quả
dưa to về, đến khi khoét dưa ăn hết ruột, còn cái vỏ ngoài, con lợn nái thấy
chỗ mát chui vào trong ấy nằm ngủ giữa trưa nắng. Người ta kể chuyện quả dưa to
kỳ lạ đến như thế.[5]”
Chuyện loang đến kinh thành, đến tai vua. Rồi có lệnh tiến
vua dưa lạ. Quan quân kinh thành vất vả khuân dưa. Mưu sĩ vội hiến kế. Còn nhà
vua thì nhận xét và ra lệnh...
”Quan quân ra bến khuân dưa vào thành. Đương mùa
tháng bảy, trong vườn vua nuôi nhiều ngỗng. Những con ngỗng cao lênh khênh
trắng bạch rỉa lông bên ao cũng chỉ đứng đến ngang lưng những quả dưa vừa được
khiêng qua. Nhà vua và các quan xúm quanh những quả dưa lạ, to bằng cái thúng,
vỏ xanh đen biếc. Rồi, quả dưa được bổ ra, chia cho mọi người trong cung. Mới
chỉ đúng một miếng, ai cũng nức nở khen dưa ngọt quá.
Một mưu sĩ tâu rằng:
- Xin để ý mà xem, cái cuống quả dưa nào cũng có
vết cắt phẳng. Con dao cắt dưa sắc lắm nên mới được một nhát ngọt như vậy. Dưa
trôi vào nhiều thế thì tất dưa này phải có người hái, phải có người thả xuống
bể, quyết không phải tình cờ dưa ở bãi ngập nước đứt dây trôi đến bờ cõi ta.
Năm nào cũng thấy dưa về, mỗi năm một nhiều, thật là điềm lạ. Nhưng điềm lạ thế nào thì cũng rõ được một điều:
bên cõi có dưa lạ ấy phải đông vui giàu có thì mới sinh được giống dưa quí thế,
to thế, người cõi ấy phải được thảnh thơi lắm mới nên được hội hè có phong tục
thả dưa hằng năm thế!
Ở ngoài khơi xa có còn cõi đất nào phong lưu thử
đi dò hỏi xem. Nhà vua có ý như vậy.[6]”
Cái hài hước, dí dỏm trong văn của Tô Hoài là vậy đó,
như ngoài đời cũng vậy.
21.2. Truy tìm gốc tích dưa lạ
Theo năm tháng, những người còn nhớ chuyện gia đình An
Tiêm bị đày ra bể đã rơi rụng dần. Nhưng cứ mỗi mua dưa hấu trôi về, câu chuyện
đó lại được người dân rì rầm khơi lại.
Rồi chuyện đến tai vua. Vua muốn biết An Tiêm đã bị
đày như thế nào. Người mưu sĩ nọ tâu, thử về hỏi dân Bãi Lở có biết gì mới
không.
Hai cụ già Bãi Lở được mời về kinh đô, chính là hai
người một già một trẻ năm xưa đuổi theo đoàn thuyền để gặp tiễn An Tiêm, đã
thuật lại chuyện cũ cách nay 30 năm cho nhà vua nghe.
Vua bổ dưa mời hai cụ, hỏi có biết loại dưa này. Cụ
già trăm tuổi trả lời có và hỏi lại nhà vua chắc vua nghĩ An Tiêm còn sống, rồi
ra bể tìm chủ tướng của mình.
Nhà vua lệnh cho mười thuyền chiến chở theo hai cụ già
Bãi Lở ra đảo hoang đón An Tiêm. Đoàn thuyền này cũng gặp bão biển, nhưng bình
an vô sự.
21.3. Đoàn thuyền tìm được đảo. Nước mắt chan hòa của
gia đình An Tiêm với hai cụ già Bãi Lở
Ở đảo bây giờ đang mùa rét
Được Ma Li bày cách, An Tiêm làm thêm một gian nhà có nền sâu
dưới mặt đất. Ngày rét đốt lửa sưởi ở đây, nhà ấm đượm bốn phía.
Gia đình An Tiêm phát hiện rừng báng, nguồn thức phẩm
dồi dào, nhiều công dụng: nõn cây nhiều nước, bột thân cây ăn thay củ mài, củ
nâu được, ủ lên men làm rượu.
Tiếng trống đồng rung động
Trong một buổi tối, cả nhà quây quần bên bếp lửa, 3
người đàn ông ngồi uống rượu báng, gấu ngồi mút chân, hai người đàn bà ngồi dệt
vải dứa. An Tiêm trầm tư “ôn nghèo nhớ khổ”. An Tiên ra ngoài, nhìn biển.
”An Tiêm bỗng bắt một cái rùng mình, thật lạ. Thoảng trong
làn sương nghe đâu có một tiếng rền rền. Vừa thoạt nghe đã rợn. Tiếng mơ hồ như
một vuốt chân sắc cứa vào người, chói lên. Không phải tiếng sấm, không phải
tiếng cá lợn đùa, tiếng đuôi cá ông voi đập trên mặt nước, tiếng những chiếc
càng tôm rồng bơi xô xát vào nhau. Không, đây nghe trong mơ hồ một tiếng quen
đến lạ lùng. Tiếng đưa từ biển vào, rền quen đến nỗi chưa rõ tiếng gì mà cái
tiếng đã bắt thẳng vào trí nhớ, dội lại, sống lại cả bao nhiêu những cảnh,
những niềm, những tiếng xa xôi ngày xưa mà An Tiêm chưa kịp nhớ rõ, nhưng thật
đã thấm cảm. Tiếng mơ màng qua làn sương mỏng, lúc đầu thoang thoảng ngỡ đâu
cơn chớp bể mưa nguồn. Nhưng mùa nắng hết đã lâu, không còn mưa nguồn và sấm
lạnh mưa rào nữa. Cái tiếng cứ mơ mơ, mỏng tanh, phơ phất theo làn gió xa, khi
bên ngày khi bên đêm, khi canh khuya, khi rạng sáng, rồi một lúc, bỗng nổi dồn
từng cơn ập ình, tiếng ập ình đổ òa ra thành tiếng rền vọng đi.[7]”
Đó là một đoạn đặc tả tâm trạng thật tài tình. An Tiêm đã
nhận ra cái gì đó, tiếng trống đồng.
Lại đốt lửa và nước mắt chan hòa
Đoạn tiếp theo là tâm trạng của cả nhà khi nghĩ về
tiếng trống hội làng Bãi Lở, hội vua. Bán tin, bán nghi. Mọi người sực nhớ, cần
phải đốt lửa.
Rồi nghe tiếng
trống nổi lên đột ngột dữ dội, râm ran. Cả nhà An Tiêm mừng lắm.
Sáng hôm sau, ba người đàn ông lấy tù và ra thổi.
Ngoài khơi, đoàn thuyền đã nhận ra và reo hò. Rồi đoàn thuyền cập bờ. Khách chủ
gặp nhau, nước mắt chan hòa…
”Hai ông già Bãi Lở chạy ra đầu hàng quân, hướng
về phía trước quì sụp, rạp mặt xuống bãi cát.
Cùng kêu to:
- Chủ tướng ôi! Chủ tướng ôi! Phải chủ tướng đấy
không?
An Tiêm tất tả bước đến, nâng hai ông già lên rồi
quay lại, nước mắt đầm đìa, bảo Nàng Hoa:
- Mình ơi, các cụ Bãi Lở nhà ta đây...
- Chủ tướng ôi! Năm xưa, hai chúng tôi đưa chủ
tướng ra cửa sông...
Thế mà An Tiêm bấy lâu những tưởng đất Bãi Lở đã
chìm trong cơn lũ rồi. Bây giờ, chỉ thoạt trông thấy hai ông lão, đã có thể
biết ngay Bãi Lở vẫn hiên ngang trong cõi đời này.
Cả nhà không ai cầm được nước mắt.[8]”
Tiệc bãi biển và sới vật của hai ông già và các trai trẻ
Rồi cỗ linh đình mừng hội ngộ, hoàn thành lệnh vua. Chủ và
khách lo giã gạo, nấu cơm, đồ xôi, xào nấu các món thịt từ bốn con nai mới săn
được.
Có tiệc mặn là phải có sới vật. Cuộc sống dân dã xưa là vậy.
An Tiêm vào sới vật với ông đô già tuổi bảy mươi. Cụ già trăm
tuổi thì giữ trống cầm trịch.
”Hai cụ đứng khuỳnh ngang chân. Rồi, cái dùi trống ở tay cụ
cầm trịch thúc xuống mặt trống, đầu tiên còn thong thả. Hai tay đô từ từ hoa
hai cánh tay rám nắng, đẹp như hai cánh phượng. Hai cụ uy nghi bước ra bái tổ,
lên đài "quấn chỉ", ngón tay quấn chéo như hoa lan chín, rồi bá vai
nhau xong, quay ra. Tiếng trống thúc vào trận đã say say. Thế là, gân chân và
khoeo tay nổi cuộn như rắn quấn. Nhẹ như không, An Tiêm đảo nghiêng mình một
cái, vai đương tỳ bỗng rút về một phía, ông cụ bảy mươi ở Bãi Lở kia đã ngửa
mặt trên mặt cát.[9]”
Rồi trai trẻ cũng vào sới:
”Đám vật của bọn trai trẻ càng sôi lên nữa. Sức Mon đương độ.
Suốt chiều đến khuya, Mon và Ma Li lẳng ngã có đến hàng chục quân quan. Không
người nào chịu được một cái khóa tay của Mon, thế là cả người bị hất ngửa tênh
hênh bụng. Ai nấy trầm trồ sức khỏe hai cánh tay như trăn núc của tiểu chủ
tướng. Ai đâu biết được cánh tay Mon ghê gớm đến thế bởi những cuộc vật đã bao
năm với anh em gấu.[10]”
Biệt ly bất đắc dĩ với gấu
Sáng hôm sau, khi chuẩn bị về đất liền, Mon mới sực
nhớ đến Gấu em. Mọi người, cả quan lính đoàn thuyền, đổ đi tìm Gấu em, 3 ngày
đêm liền mà không thấy.
Vậy gấu đi đâu?
Gấu em sợ tiếng trống, đứng đâu, nằm đâu ”cũng chỉ nghe tiếng ình ình”,
nên trốn vào hang tránh bão hồi trước.
Đến khi đoàn thuyền
nhổ neo, ra xa bờ, Gấu em mới xuất hiện ở bờ biển. Mon, Gái và Ma Li nhận ra ”khoa tay rối rít”. Nhưng, không
kịp nữa rồi, vì trên thuyền đã làm lễ ra khơi, ”buồm đã ăn gió, không thể quay
lại được”.
”Gấu em vẫn đứng ngóng ra. Đoàn thuyền đã xa hẳn. Gấu em
luống cuống lội xuống nước. Gấu em ngẩng đầu lên. Những chiếc thuyền vẫn đi.
Gấu em gầm đầu xuống mặt nước. Như thể Gấu em đương há mõm, sắp uống, muốn uống
cạn nước biển Đông - ước sao uống được cạn nước bể Đông, bắt đoàn thuyền đương
đem đi những người thân yêu của mình kia phải đứng lại đấy, cho mình ra theo.[11]”
21.4. Vua Hùng đón gia đình An Tiêm
Thời gian này ở đất liền “đương còn mùa hội hè ở khắp
các bộ, các cõi”. Bàn dân thiên hạ có thời gian rảnh rỗi để tò mò chờ đợi đoàn
thuyền chở nhà An Tiêm trở về. Người ta bàn tán, đồn thổi…
“Lạ thay, cả nhà ông An Tiêm ngày xưa phải ra đi bao
nhiêu người, bây giờ vẫn bấy nhiêu người trở về. Không ai già đi, chẳng ai biết
tuổi. Người ở nơi mặt đất phương trời thần tiên ấy không biết trên đời có cái
già, cái tuổi, cái chết. Con trai ông An Tiêm ngày đi chưa được mười tuổi, giờ
hiên ngang cao lớn đứng đụng đầu cành đa. Chàng trai ấy đã nuôi bảo được mọi
loài thú trong rừng, dạy cho thú rừng cũng biết thuần người như con trâu, con
gà, con lợn. Voi vác củi. Hổ đi kiếm thịt. Khỉ gánh nước cả ngày. Đêm đến, mọi
loài rủ nhau kéo về ngủ bầy quanh nhà người ở. Còn cô con gái ông An Tiêm thì
đẹp đến đỗi hai hàm răng đen bóng soi gương được, con gái các cõi không cô nào
có thể ví tày. Hai mẹ con ở nơi thanh vắng ấy mà bổ cau bằng con dao vàng, có
lông nhím để têm trầu, miếng trầu cánh phượng, cả đời người không trông thấy mà
tay khéo như trần gian có một. Tưởng người đi chỗ hoang vu thì người sẽ khô héo
đến chết. Nhưng không phải thế, quân quan đã thấy được ở đảo một cơ ngơi huy
hoàng, những lâu đài tráng lệ như ở cõi tiên. Người đi người vẫn tốt tươi,
những con chim đã tha hạt dưa đỏ đến cho người trồng, người được ăn hoa quả mà
sống. Rồi mọi loài trong rừng ra thần phục người, cứ vậy cho đến ngày nay. Lại
còn biết thả dưa đưa tin vào cửa sông, bảo các cõi trong bờ biết đấy dưa của
ông An Tiêm gửi, ông vẫn mạnh khỏe, ông gửi dưa cho ta bấy lâu. Trong này ta
được giống dưa ngon mà ăn, lại đem trồng nên bãi.[12]”
Dọc con sông Cái trở về kinh đô, dưới sông trên bến,
dân tình đổ xô vẫy chào hoặc bơi thuyền bám theo một đoạn.
Những lúc đoàn thuyền mắc cát hay lúc cạn gió, trong
đám quan quân chèo thuyền, tiếng hò, tiếng xô vang lên:
“Đi kênh thì cạn
Đi với gió đông
Dô ta
Dô tà...[13]”
Đoàn thuyền gặp cảnh thi bơi chải mới có từ vài năm
nay.
Khi đoàn thuyền cập bến, có hàng trăm, hàng nghìn chiếc thuyền của dân
chúng quây đón tưng bừng.
”Vua Hùng
nắm tay An Tiêm đưa lên thềm bè. Rồi lại ra dắt tay từng người vào ngồi chiếu
miến trải trong rạp. Bốn phía chen chúc những cánh thuyền hân hoan lướt đến xem
mặt cả nhà An Tiêm, cùng lúc tiếng chiêng rền dậy mặt nước.[14]”
Nhà vua
mời An Tiêm xuống thuyền đi đốc giải hội thi chải, rồi mời An Tiêm thúc trống
cho thuyền vào tranh giải.
”Tối hôm
ấy, trên tòa bè ngự mặt nước, nhà vua mở tiệc mừng cuộc trùng phùng của cả nhà
An Tiêm cùng với cỗ thết phường chải giật giải bơi. Từng thuyền chở đầy trai
gái các cõi về hát mừng. Tiếng hát, tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt với thuyền
chèo quanh bè tiệc suốt đêm. Thui trâu, nướng rùa, rơm đốt đỏ từng nạm ngay kề
đầu bè. Cỗ cũng làm trên mặt nước ấy. Hàng mấy trăm mâm cỗ bát đóng giàn
được khiêng ra, suốt cả một dải bè đã kết liền thành sàn giải chiếu dài nhìn
đến cạn tầm mắt chưa thấy hết mâm cỗ.[15]”
21.5. Mon trở lại đảo lập nghiệp, lập làng mới và tìm
được gấu em
Năm sau Mon được trở lại đảo cùng Ma Li.
”Nhà vua mở tiệc lớn tiễn. Nhà vua nói:
- Ngày trước, Mai An Tiêm đã có công đi mở đất Bãi Lở ở đầu nguồn.
Bây giờ, ngươi hãy nối chí cha, đi dựng phên giậu phía nam cho đất nước.
Mon trở lại đảo cùng một đoàn hơn ba mươi chiếc thuyền. Thật
là một đám rước từ sông Cái ra biển Đông mà cả đất nước biết tiếng. Bằng cả một
làng ra đảo. Người Bãi Lở có, lại nhiều người các cõi khác được lời rao gọi,
trai gái đều hăm hở đi. Nhiều người đem cả nhà cùng đi, cả con trẻ, chó con và
gà lợn. Thuyền nào cũng chất chật ba khoang những vò giống, các giống lúa,
giống đậu, giống vừng, giống kê. Có người đánh cả vừng cây cau non, cuộn dây
trầu không, hom dâu, trứng tằm, men rượu và lưới mảng. Có thuyền lại tải trâu,
thoi dệt, nồi ươm và khuôn đúc cày. Chẳng khác nào ngày trước, An Tiêm đem
người đi lập làng ở Bãi Lở.[16]”
Mon tập hợp mấy trăm con người trên các thuyền xuống
và kể chuyện về Gấu em. Rồi Mon cùng một số người đi tìm Gấu em.
Với 5 trang tả về trăn trở của Mon khi chưa tìm thấy
Gấu em, Tô Hoài thực sự thể hiện một cây bút có hạng.
Rồi sau đó nhiều ngày, Mon và Ma Li vào rừng đẵn vầu,
thấy vết chân gấu ở gần nơi gấu mẹ bị trăn núc chết. Rồi thấy gấu thật…
”Mon cứ đứng sững sờ. Mon nói khàn không rõ tiếng:
- Có phải Gấu em không? Phải em không?
Con gấu vươn mình, nhảy xuống, bước ra. Con gấu đến trước mặt
Mon, đứng lên, một tay đặt lên vai Mon. Thằng Gấu em đây. Không biết đấy là hai
con mắt nó long lanh sung sướng hay đấy là hai giọt nước mắt. Mon cũng cảm thấy
nhòa nhòa trên mắt mình, không nhìn rõ được. Chỉ mới ít lâu mà sao Gấu em lại
lụ khụ, tha thủi hẳn đi như thế. Đám lông bờm mọi khi đen nhánh bây giờ đã rụng
trụi xuống, trơ một mảng da bả vai xám ngắt, nhăn nheo - như bóng núi gấu già
ngoài kia.[17]”
Những người đi cùng Mon lập nghiệp mới, biết tin,
“chạy ùn tới”, reo hò, “mừng chủ tướng gặp được Gấu em”.
Cuối cùng, đoạn kết của truyện cô đọng và đầy ý nghĩa…
”Về sau,
Mon cho lập trại, lập làng ở bờ biển quanh chân núi. Mỗi hôm, mặt trời ngả sau
núi, bóng núi lại che xanh thẫm trên các xóm. Chỗ doi đá hình mõm gấu vươn dài
uống nước, thành cái bến - thuyền bè các nơi đi đến tấp nập, nhất là tới mùa
trảy dưa đỏ.[18]”
Xin mời đón đọc
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 3: Đảo Hoang
của cây viết tài năng Tô Hoài - Kỳ 6: Từ ngữ Tô Hoài, nghệ
thuật miêu tả
Ba Cang
Xem thêm
[1] Đảo Hoang, trang 237.
[2] Đảo Hoang, trang 249.
[3] Đảo Hoang, trang 253.
[4] Đảo Hoang, trang 288.
[5] Đảo Hoang, trang 257.
[6] Đảo Hoang, trang 257.
[7] Đảo Hoang, trang 268.
[8] Đảo Hoang, trang 276.
[9] Đảo Hoang, trang 278-279.
[10] Đảo Hoang, trang 279.
[11] Đảo Hoang, trang 284.
[12] Đảo Hoang, trang 286-287.
[13] Đảo Hoang, trang 288. Đây là điệu Hò mắc cạn, Theo Nguyễn
Thị Minh Châu, Viện Âm Nhạc Hà Nội, nguồn: http://www.vnstyle.vdc.com.vn/vim/vietnamese/thongtin/bai_HosongMa.htm và http://tranquanghai.info/p78-nghe-thuat-ho-song-ma-va-su-phuc-sinh.html.
[14] Đảo Hoang, trang 291-292.
[15] Đảo Hoang, trang 296.
[16] Đảo Hoang, trang 299.
[17] Đảo Hoang, trang 306.
[18] Đảo Hoang, trang 307.