(Ba Cang)- KỲ 4
14. Dưa hấu xuất hiện trên đảo như thế nào?
Chim lạ thả mấy hạt dưa xuống. An Tiêm lượm và đem
trồng. Ý này ở truyện nào về sự tích dưa hấu đều nói như vậy cả.
Nhưng ở Đảo Hoang thì khác. Với ngòi bút điêu luyện
của mình, trong gần 2 trang giấy, Tô Hoài đã tả tâm trạng của Mon lúc một mình
tư lự, lúc cùng lũ gấu, trước khi thấy một con chim lạ.
Rồi Tô Hoài dành trang rưỡi giấy để tả Mon thấy con
chim lạ đó thả mấy cái hạt lạ mà Mon đoán là từ cứt của chim rơi xuống. Mon
nghĩ và đem vùi mấy hạt đó để trồng thử xem là cây gì…
“Mon đi mãi vào
bờ, đến chỗ lơ thơ mấy tụm cỏ, con nước có lên cao cũng không tới. Mon tìm một
hốc, vùi hạt chim ỉa xuống cạnh tảng đá, chỗ có khe có hơi đất ẩm. Hai con gấu
theo lẽo đẽo đằng sau, tất nhiên chẳng hiểu Mon làm gì.[1]”
15. Thử thách tình bạn giữa người và gấu
Một hôm, hai con gấu dậy sớm, ngồi lặng lẽ và nhìn vào
rừng…
”Trong cánh rừng thưa có một đàn gấu chó - giống gấu nhỏ con,
cùng loài với anh em gấu.
Đàn gấu nọ sáng sớm kéo qua rừng, đứng lại. Chúng nó trông
thấy anh em gấu bên này. Hai con gấu đương ngủ. Nhưng hơi đàn đi ngang qua nồng
nàn tỏa đến, đã đánh thức hai con gấu thức dậy ra nhìn. Đàn gấu đông đến
mười mấy con, những gấu già, những gấu con loắt choắt bước sau gấu mẹ. Có gấu
con đương đi, trèo lên vai gấu lớn, ngồi thu lu, ngó ra bốn phía, những con khỉ
con nghịch ngợm.
Cả đàn gấu đứng im, nhìn sang tảng đá.
Đàn gấu với anh
em gấu im lặng nhìn nhau. Trông con mắt và vẻ ngẩn ngơ của anh em gấu, Mon
hiểu. Những con gấu không kêu, không nói với nhau, tiếng gọi đàn không thành
tiếng, thế mà bồi hồi tất cả.[2]”
Thật là tài tình khi tả về đặc tính của loài gấu.
Còn Mon thì sao...
”Mon bàng hoàng. Mon chột dạ. Mắt Mon rưng
rưng. Mon nói như khóc:
- Gấu ơi! Chúng
mày đừng bỏ anh nhé. - Rồi Mon giũi đầu bíu cả hai tay lên vai gấu.[3]”
Thấy Mon xuất hiện, đàn gấu bỏ đi, nhưng hôm sau, hôm
sau nữa đàn gấu vẫn bám theo dẻo dai, cả ngày lẫn đêm. Mon lo lắng thực sự, Mon
thủ thỉ, Mon gần như khóc van nài hai anh em gấu ở lại.
”- Gấu
ơi! Ở với tao! Chúng mày ở với tao! Đừng theo chúng nó. Anh mày đây mà! Đừng bỏ
tao một mình nhé.[4]”
Tôi đọc đoạn này đã chảy nước mắt.
Mon nghĩ cách lừa đàn gấu, bỏ chạy thục mạng, hai con
gấu nhà cũng chạy theo.
Đến đêm đốt lửa lại thấy đàn gấu kia xuất hiện. Chúng
bám cả đêm đến tận sáng. Mon trằn trọc, nghĩ đến công mình cứu và nuôi hai con
gấu lúc mới lọt lòng, mong hai con gấu biết nghĩ mà ở lại.
Hôm sau Mon nghĩ ra cách mới là trốn xuống biển. Loài
gấu sợ bãi cát, sợ nước mà. Gấu chỉ ở rừng sâu, gấu sợ ra chỗ trống. Đêm đốt
lửa không thấy, nhưng sáng sớm chúng lại xuất hiện, lấp ló ở bìa rừng. Mon lại
lo.
Rút kinh nghiệm, đêm hôm sau Mon không đốt lửa nữa.
Mon quyết định ở lại thêm hai ngày nữa, Mon luyện cho
hai gấu nhà ăn được sò, măng khô, rồi hà, rồi cáy, ruốc, sam và cuối cùng là
thịt nướng. Gấu đói, là phải ăn tất.
Liệu hai con gấu có còn ý định bỏ đi theo đàn gấu kia
không…
“Tối hôm ấy, đốt lửa.
Cũng không thấy trong bóng tối phía rừng có những chấm mắt xanh nhìn ra. Đến
sáng, nhìn thấy rừng quang. Đàn gấu đã đi thật.
Thật chúng nó không
theo rủ rê hai con gấu này nữa. Mon thấy yên trí, Mon và anh em gấu trở lại đi
phía khác.[5]”
16. Gieo hạt rồi, bây giờ là lúc “hái quả ngọt”
Trưa hôm đó, khi đã yên trí đàn gấu nọ thực sự bỏ đi
rồi, Mon và hai gấu trở lại rừng nhưng đi phía khác. Bỗng nghe tiếng chim chí
chóe ở chỗ hốc đá năm trước Mon gieo mấy hạt lạ từ đám cứt chim. Lũ chim đang
tranh nhau ăn.
Chỉ mỗi chuyện phát hiện tiếng chim chí chóe tranh ăn,
rồi phát hiện ra vạt dưa lạ đã chín, rồi Mon cùng gấu, 3 anh em, ăn thử no kềnh
no càng mà Tô Hoài đã “mất béng” hơn 5 trang miêu tả sinh động. Thật là bậc cao
thủ trong làng viết.
“Mon trông vào hốc đá, thấy lòng thòng mấy cái dây như
dây bí, khô trắng. Cái dây bò dài từ mép đá ra. Cái dây hệt dây bí, ở mỗi mấu
trổ một tàn lá to tròn, đã héo vàng úa. Đến mùa quả chín thì lá vàng giữa dây.
Trên đốt dây có quả to - quả bí ử. Quả này thô lố bằng đầu gối, tròn vóc và dài
con như cái gối xếp gỗ. Vỏ bóng mỡ, xanh đen, lẫn với hòn đá suối đương giữa
mùa nước có rêu phủ.[6]”
Một đoạn tả rất vui, cảnh Mon tưởng bị ngộ độc vì ăn dưa
lạ…
“Xong, cả hai anh
chàng gấu cùng thiu thiu mắt, ngã ngửa người xuống tảng đá. Họng khò khò như có
cái gì chẹt cổ. Mon giật mình. Thôi chết, ăn phải quả độc, ăn phải quả độc sắp
chết. Tiếng khò khò càng to, hai con mắt gấu mỗi chốc lại trợn trắng lên kia.
Mon cũng ăn hết một quả, Mon cũng ăn hết cả một quả, Mon cũng chết đến nơi.
Nhưng Mon vẫn thấy mình tỉnh. Mon bặm môi lại, vẫn thấy như thường. Mon rút hai
con dao sau lưng, Mon múa dao lên trời. Ánh lưỡi dao bay vàng loang loáng.
Chẳng thấy sao cả, vẫn khỏe thế. Nhưng Mon trợn. Mon muốn móc họng cho nôn.
Nước mùi quả lạ trong cổ tứa thơm. Có gì đâu. Nước quả lạ thơm mát thế, chẳng nhẽ
lại là quả độc! Mon lại lặng lẽ ngồi xuống, cố bình tĩnh.
Hai con gấu nằm ngửa,
gà gà sắp chết, như thế đến tận trưa, vẫn chưa chết. Những tiếng thở có lúc
rống lên như lúc đánh vật hăng. Rồi, cả hai từ từ lăn mình nằm sấp. Cái bụng đã
tọp đi, bây giờ mới nằm sấp được.
Có lẽ chỉ tại gấu ăn
no quá, chướng bụng nghẹt thở, từ nãy phải nằm ngửa cho khỏi tắc cổ. Mon nghé
tai, nghe tiếng gù đều đều. À, tiếng ngáy, tiếng ngáy. Bây giờ gấu nhắm mắt,
gấu ngáy. Bây giờ gấu ngủ say cả rồi.
Mon đứng dậy, vỗ độp một
cái vào đít, như phủi bụi, cười to.
- Những thằng này sắp
chết vì nốc quá mồm!
Rồi Mon cũng nằm
xuống ngay cạnh gấu, khoan khoái làm một giấc.[7]”
Câu kết của đoạn “ăn uống” này thật đẹp…
“Mon nghĩ: “Ta cứ đi theo chim. Điềm lành đã đưa ta
gặp quả ngon. Điềm lành đã đưa chim đến". Mon và hai con gấu tung tăng đi.
Biển cát phẳng tăm tắp.[8]”
17. Nơi trú ngụ thứ năm của gia đình An Tiêm
Chuẩn bị đi tìm
tiếp cha mẹ và em thì Mon bị ốm nhiều ngày. Hai thằng gấu cũng biết đi kiếm rau
ngót, măng, quả trám, con sò, con ngán về chăm sóc anh Mon.
Đến đây tác giả Đảo Hoang đột ngột cho chuyển cảnh: “Lại
nói về nhà An Tiêm.[9]”
Thật tài tình hết cỡ. Tài tình ở chỗ, tác giả không
muốn miêu tả nhiều về cảnh Mon ốm, nên đã chuyển đột ngột sang cảnh cha mẹ và
em Mon đang lo lắng thế nào khi vẫn chưa tìm thấy Mon.
Mẹ Mon cũng ốm, mặt gầy hóp vì nhớ con.
Nàng Hoa nhớ lời chồng nhắc nhở, không khóc nữa, phải
sống, phải khỏe mới đi tìm con được.
Rồi cả nhà chuẩn bị đi tìm Mon. Đi suốt mấy ngày, đêm
ngủ lại đâu thì đều đốt lửa, mong Mon còn sống trông thấy lửa mà tới.
Rồi An
Tiêm làm nhà mới, có vách, có mái, hy vọng bãi biển này thành như Bãi Lở, rồi có
thể có người đến.
Đoạn Tô Hoài tả cảnh săn cá sấu, ngắn mà hay…
”Thoạt trông, An Tiêm tưởng có cá sấu rúc mồi dưới bùn. Cá
sấu và rái cá thường ăn bọn, một lũ cùng cắm đầu xuống bới bùn, xa trông như
làn sóng đất. Những làn sóng ấy cuồn cuộn chạy nhanh thật lực. Khi con cá sấu
nhô ra khỏi bùn, quay đầu lại, thì cá sấu đã ở tít xa. An Tiêm đuổi hụt nhiều
lần. Lúc ấy lao phóng trúng vào lưng cá sấu, lao bật như đụng vào đá. Chỉ có
đâm trúng vào mắt, vào họng, cá sấu mới quỵ.
An Tiêm đứng lại, nhìn quanh. Phải cẩn thận lắm. Vô ý giẫm
vào cá sấu phục trong bùn, có thể mất cả ống chân.[10]”
An Tiêm bắt được cá lờm[11]
nướng rất thơm, xương làm kim khâu vá tốt.
18. Nhà An Tiêm cũng lượm được hạt lạ do chim thả xuống
Gái nhặt
được mấy hạt lạ, rơi xuống từ đàn chim bay qua. An Tiêm đem những cái hạt ấy
vùi xuống chỗ đất ẩm gần nhà.
Có dưa đỏ, vợ chồng An Tiêm tin chắc một điều, Mon ở
phía bên kia đảo, đã trồng được loại dưa này, nhờ chim thả hạt cho bố mẹ, để bố
mẹ biết Mon còn sống, để đi tìm Mon.
Đoạn này là một chi tiết góp phần khẳng định sự
sáng tạo độc đáo của Tô Hoài về truyền thuyết hóa nguồn gốc dưa hấu ở Việt Nam.
Cũng là công của Mai An Tiêm, nhưng do con trai phát hiện và nhân giống dưa hấu
trước cha, sau đó An Tiêm mới nhân giống tiếp và rồi mới có sáng kiến thả dưa hấu ra biển
(xem ở Kỳ 5 mục 20.2. Thả dưa trôi biển –
Hữu ích và hy vọng).
19. Cha con gặp nhau và gia đình đoàn tụ
19.1. Hành trình hơn 3 tháng đi tìm con
Mùa gió bấc, chiếc bè được đóng 10 tầng vầu đại chở
một mình An Tiêm đi tìm con trai. Dọc ven bể, sản vật nhiều lắm.
Rồi An Tiêm thấy ở một ven bờ nọ có những bãi dưa đỏ đã tàn.
Có một con gấu đang ham ăn dưa. An Tiêm tìm thấy mấy khúc gỗ cháy dỡ. An Tiêm suy
nghĩ, người trên đảo này hay người dưới thuyền lên đốt. Đi tiếp, phát hiện có
con gấu thứ hai. Nó cũng thấy An Tiêm, nó rủ con kia cùng chạy lại phía An
Tiêm. An Tiêm tránh gấu, quay lại ra biển, nhảy lên bè. Hai gấu không theo
được. An Tiêm quyết định đi tiếp. Thật là kịch tính. An Tiêm đã đến đúng khu
bãi dưa của con trai mà không biết.
Trong khi An Tiêm đẩy bè ra và đi tiếp, thì hai chú gấu chạy
thật nhanh về gốc thông. Chúng ra hiệu để Mon đi ngay với chúng trở ra biển.
Đường xa, nửa đêm mới tới biển. Ngủ một giấc, sáng hôm sau Mon phát hiện có dấu
chân người. Mừng quá. Bọn gấu cũng mừng theo, chúng vật nhau...
Mon nghĩ ra cách đốt lửa cả ngày cả đêm, để nếu có người thì
từ xa ban đêm sẽ thấy lửa, ban ngày sẽ thấy khói.
Rồi Mon phát hiện có chấm đen trên biển. Chấm đen to
dần. Đúng là bè của An Tiêm quay trở lại từ hai đêm trước, do linh tính và suy
đoán. Từ ngoài biển An Tiêm bắt đầu trông thấy ánh lửa. Trên bờ, Mon cũng trong
thấy đốm đen rõ dần, to dần.
Lại một kịch tính nữa…
Đến quá trưa, chấm đen vẫn đứng tại chỗ. Mon không hiểu thế
nào.
Còn An Tiêm đang lo ngại vì lại trông thấy hai con gấu,
nghĩ là người rừng, nên đẩy bè quay ra.
Các hình ảnh đối nhau tiếp diễn liên tục, đầy kịch
tính.
Bỗng từ phía trong
rừng có tiếng hú. An Tiêm cũng nâng cái ốc tù, rúc một hồi dài.
”Lập tức, An Tiêm trông thấy hai người rừng - hay
hai con gấu, tách đôi ra, một con nhảy sang một phía, ở giữa trơ lại một người
rừng khác. Người ấy nhô lên, giơ tay vẫy vẫy. Rồi những tiếng hú lại
liên tiếp vọng ra.
Thế là An Tiêm cuống quít khoắng tay xuống nước,
bơi vào. Những tiếng hú đối đáp chốc chốc nổi lên. Trông đã hơi rõ: hai con
người rừng và một thằng người thật. Rõ một thằng người thật. Người thật khác
gấu, khác người rừng, một người với hai con gấu, hai người rừng - người biết
hú, người này không phải người rừng, người này là người thật nên mới biết hú.[12]”
”- Moon... à...
- Bốốố... à...
Thế là An Tiêm nhảy ngay xuống biển. Quên hẳn hai
con gấu có thể xông ra xé tan xác như chơi. An Tiêm ào ào bơi vào. Trên bờ, Mon
luống cuống, luống cuống chạy quanh. Hai con gấu cũng nối nhau theo Mon. Cả ba
đứa cứ chạy quanh.
An Tiêm đã lên bờ. An Tiêm đã đến đứng trước mặt
Mon. Mon đấy ư? Thằng Mon đấy ư? Thằng này là thằng Mon ư? Thằng Mon lạc nhà
bao nhiêu năm nay, bây giờ nó đây, nó là người thế này đây ư?
Hai bố con xô lại, níu chặt vai nhau. Nước mắt An
Tiêm giàn giụa trên mặt, trong lúc An Tiêm cười như mếu. Bây giờ An Tiêm mới
biết đời mình gian truân đến thế mà vẫn còn nước mắt để dành cho lòng thương
yêu con.
Mon đã cao bằng bố. Tóc nó đen nhánh, rối một nắm
dài xuống quá lưng. Lông mày lông má trổ ra vàng xuộm như mặt con đười ươi.
Trong cái khố trần, bắp chân nó nổi chão, nó đã trở nên người lớn thật sự. Ờ,
nó bây giờ đã ngoài mười lăm, mười bảy rồi, nó cũng bằng những năm An Tiêm đi ở
ngoài Ninh Hải. Nhưng bấy lâu một mình trong rừng, quả là nó tinh nhanh, tháo
vát. Nó gian nan bấy lâu mà vẫn lớn, nó đã cao hơn mình, thật nó hơn mình. An
Tiêm cứ vừa nghĩ vừa cười, vừa đầm đìa nước mắt.[13]”
Thật là không uống công hành trình hơn 3 tháng đi tìm
con.
19.2. Cả gia đình đoàn tụ nhưng lại mất đi một chú gấu
Mon dẫn bố về nhà mình chỗ cây thông. An Tiêm phục con
quá: một mình dựng được nhà, làm được dao bằng vàng, biết thắt nút dây để nhớ
ngày tháng…
Rồi hai bố con nhắc nhau cùng quay lại chỗ bố để mẹ và
em mừng.
Trước khi đi Mon phải dạy hai anh em gấu biết ở lại để
trông nhà.
Hai bố con vượt rừng mấy ngày ròng rã, rồi cũng về tới
nơi. Mẹ gặp lại con, em gặp lại anh, cảnh tình xúc động.
Cả nhà vui quá, ăn uống nhiều món Mon chưa được ăn. Chuyện
kể tíu tít. Gái rất thích nghe anh Mon kể chuyện gấu, nghe mãi không chán.
Bất thình lình, một buổi sáng, An Tiêm bước ra cửa,
trông thấy gấu em nằm phủ phục từ hồi nào.
Có chuyện gì xảy ra rồi sao? Mon bối rối, lo lắng.
Cả nhà quyết định cùng Mon quay trở lại chỗ cây thông
để xem tình hình ở đó thế nào.
Một cảnh hoang tàn hiện ra tại nơi là nhà Mon ở…
An Tiêm nhìn rồi phán đoán có con trăn đi tìm mồi đã
quăng mình qua đây, cái đuôi nó quật đổ cột lều. Mon bặm môi, đau xót, con trăn
về ăn mất Gấu anh rồi.
”Gái bước lại trước mặt Gấu em, Gái cầm một chân Gấu em, đặt
cái chân gấu lên vai mình. Hai chân gấu để lên vai hai anh em, cùng chia sẻ nỗi
đau đớn. Bóng biển xanh ngắt. Bàn tay gấu đen nhánh trên cái vai người rám nắng
đỏ sạm. Câu chuyện đêm trước anh tao kể, anh em thằng gấu thật giỏi, thật
ngoan, chỉ muốn đi gặp xem mặt anh em mày ngay, thế mà giờ chỉ còn có một mình
mày.[14]”
Đọc đến đây có thể bạn đọc nhỏ tuổi đưa ra câu hỏi: Liệu
có nên trách, tại sao Mon không đưa hai gấu đi cùng về gặp mẹ và em, nên mới
gặp cảnh đau lòng như vậy?
Xin mời đón đọc
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 2: Cốt
truyện ly kỳ và hấp dẫn - Kỳ 5: Sáng kiến thả dưa. Gia đình có thêm thành viên
mới – Ma li. Được vua đón trọng thị. Mon quay lại đảo lập nghiệp. Tìm được Gấu
em. Chủ tướng mới và làng mới.
Ba Cang
Xem thêm
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 2: Cốt
truyện ly kỳ và hấp dẫn - Kỳ 2: Mai An Tiêm chỉ huy khẩn hoang và trị thủy vùng
Bãi Lở. Hội cơm thi, nam riêng, nữ riêng. Hội thi đấu vật.Hội thi cỗ nén.
[1] Đảo Hoang, trang 160.
[2] Đảo Hoang, trang 162.
[3] Đảo Hoang, trang 162.
[4] Đảo Hoang, trang 163.
[5] Đảo Hoang, trang 170.
[6] Đảo Hoang, trang 172-173.
[7] Đảo Hoang, trang 174-175.
[8] Đảo Hoang, trang 178.
[9] Đảo Hoang, trang 178.
[10] Đảo Hoang, trang 187.
[11] Không biết cá này là cá gì,
ở vùng nào có nhiều? Liệu có phải là cá lăng?
[12] Đảo Hoang, trang 216.
[13] Đảo Hoang, trang 216-217.
[14] Đảo Hoang, trang 231-232.