11/7/15

Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 3: Đảo Hoang của cây viết tài năng Tô Hoài - Kỳ 6: Từ ngữ Tô Hoài, nghệ thuật miêu tả

(Ba Cang)- KỲ 6

PHẦN 3 - ĐẢO HOANG CỦA CÂY VIẾT TÀI NĂNG TÔ HOÀI

Phần này mang tính chuyên môn, học thuật, nên tôi không dám viết dài. Tôi chỉ mạo muội viết những gì mình cảm nhận được theo sự hiểu biết còn hạn chế về lĩnh vực văn học của một người đọc bình thường.

Trong Đảo Hoang, cốt truyện truyền thống theo sự kiện đã được tác giả xây dựng. Đó là cốt truyện giản dị, dễ hiểu. Cách xây dựng nhân vật cũng đặc trưng kiểu Tô Hoài là tập trung cho các nhân vật chính – anh hùng của truyện.  

Trong khuôn khổ của bài viết này, do ý thích chủ quan tôi muốn dành thời gian đề cập nhiều hơn về hai mảng kỹ nghệ từ ngữ và nghệ thuật miêu tả  của Tô Hoài, luôn đi cùng nhau, hòa quyện nhau và là sở trường của ông.
1. Kỹ nghệ từ ngữ và nghệ thuật miêu tả

1.1. “Kỹ nghệ từ ngữ” hay là “từ ngữ Tô Hoài”:

Tôi mạo muội dùng cụm từ “kỹ nghệ từ ngữ”, vì Tô Hoài là một trong các bậc thầy về từ ngữ của nền văn học Việt Nam hiện đại. Kỹ là kỹ thuật, nghệ là nghệ thuật. Kỹ thuật ở đây là cách dùng con chữ tiếng Việt nhuần nhuyễn, điêu luyện tới mức nghệ thuật. Ông khảo cứu sách sử để dùng từ cổ, đi thực tế rất nhiều, đọc sách báo rất nhiều để có các “tiếng địa phương” (phương ngữ), “tiếng lóng”, “tiếng nghề nghiệp”, các từ dân dã thường ngày, các từ mới đã đành, mà tự bản thân ông đã sáng tạo ra rất nhiều từ mới trong các tác phẩm của mình. Nhiều trong số các từ mới này, có lẽ chỉ có ngòi bút của ông mới viết nổi. Thú thật, có những từ ngữ ông viết mà tôi đọc rồi nghĩ hồi lâu mới hình dung ra được, thậm chí có vài từ tra cứu đâu đó không có, không tự suy luận được là cũng tậm tịt hiểu. Bởi vậy, tôi mới mạo muội lần nữa xin có thêm cụm từ thứ hai là “Từ ngữ Tô Hoài”.

Đặc trưng của từ ngữ Tô Hoài là tượng hình (ví dụ: bận như mắc cửi), tượng thanh (tiếng người hí), là độc đáo (cánh rừng u uất đổ mồ hôi đêm), là kỹ nghệ (nhảy nhô nhốp). Tôi đã tỉ mẩn liệt kê có 146 từ ngữ kiểu như vậy trong Đảo Hoang.[1]

Quả thật, đúng như ông đã trả lời phỏng vấn:
Ngôn ngữ trong truyện “Đảo Hoang”. Ông vận dụng ngôn ngữ vùng nào để mang tính đặc thù của tác phẩm này: Vĩnh Phú, Nga Sơn (Thanh Hóa) hay Hà Nội cổ…?
Tôi đã viết 3 tiểu thuyết theo cổ tích truyền thuyết: Đảo Hoang (Mai An Tiêm và quả dưa đỏ). Chuyện nỏ thần (Mị Châu, Trọng Thủy). Nhà Chử (Chử Đồng Tử). Tôi không đưa vào ngôn ngữ xưa của vùng nào. Những chữ trong sáng tác trên đều phảng phất cổ, tôi đã nhặt trong làng xóm, trong tục ngữ ca dao, các truyện cũ như Phan Trần, Nhị Độ Mai, KiềuKinh Phật v.v… Tôi tránh chữ bây giờ hoặc không đặc điểm. Ví dụ: “trâu chạy” tôi viết trâu bồn, “chuẩn bị” tôi viết sửa soạn; tôi không viết “bộ đội hành quân” mà viết quân trảy; không viết “ăn cơm” mà thời cơm v.v…”[2]

Đọc văn Tô Hoài có vẻ như phải động não một chút về từ ngữ, không như những truyện viết chỉ để giải trí đơn thuần. Nhưng cái yêu cầu động não này còn hay hơn cái sự nhíu trán nhăn mày khi đọc lời lẽ chữ nghĩa của một số không ít người viết trên các trang mạng hiện nay.

Nhân đây, tôi muốn cảnh báo sự thụt lùi của tiếng Việt khi trên các trang mạng xã hội, các báo điện tử, cả báo viết, nhan nhản lỗi chính tả, dùng từ ngây ngô, vô cảm, thậm chí cố tình viết kiểu “ngọng líu ngọng lô” để “hợp thời” (?) hoặc là a dua theo cái sự “hợp thời” đó.

Mặt khác, từ điển tiếng Việt cần được cập nhật các từ mới như nhiều từ điển nổi tiếng của nước ngoài vẫn đang làm.

Tuy vậy, theo thiển nghĩ của tôi, việc nhà văn Tô Hoài đã dùng nhiều các từ cổ, từ địa phương và các từ sáng tạo mà không có phần chú giải đi kèm, vô hình chung đã hạn chế sự ham thích của bạn đọc trẻ tuổi với Đảo Hoang. Nhất là khi đọc một tác phẩm dựa trên truyền thuyết như Đảo Hoang thì người đọc dễ chủ quan đã biết hoặc hình dung ngay nội dung cốt lõi của nó.

Khi tôi tìm đọc TÔ HOÀI Về tác gia và tác phẩm tôi đã nhất trí với ý kiến của nhà nghiên cứu, phê bình văn học, GS Phong Lê: “Tôi không tin là mọi người đọc ở tuổi thiếu nhi đều ham đọc hoặc đọc trôi chảy Đảo Hoang, Cái nỏ thần, Nhà Chử. Cả ba đều không thuộc loại dễ đọc như Dế mèn… Nhưng tôi tin, với số bạn đọc chọn lọc ở tuổi học đường, bộ ba này vẫn đem lại được nhiều ích lợi và hứng thú. Không kể, đó là bộ sách viết chung cho người lớn, mà tôi từng là bạn đọc chuyên cần”[3].

1.2. “Lớp ngôn từ khơi gợi không khí một thời”

Đó là câu của Mai Thị Nga trong luận văn thạc sỹ của mình năm 2012, đoạn viết về nghệ thuật miêu tả của Tô Hoài.

Chị viết không cãi vào đâu được rằng “Biệt tài dựng không khí truyện của Tô Hoài trước hết và rõ rệt nhất được thể hiện trong việc làm sống lại không khí lịch sử của thời kì đã qua. Với Đảo hoang, tác giả đã dựng lại cả một thời huyền sử xa xưa mang lại cho người đọc âm hưởng vừa hào hùng, vừa lãng mạn như bản ca đi mở đất của Vua Hùng”.[4]

Trong Đảo Hoang tôi rất khoái các đoạn về hai anh em nhà gấu ăn dưa hấu quá nhiều, ngủ không thở được, khiến Mon tưởng chúng bị ngộ độc sắp chết; hay đoạn tả sự hoảng sợ rất lạ, dai dẳng của Ma Li sau khi được bố con nhà An Tiêm cứu vớt khỏi vụ đắm thuyền; rồi đoạn kể lời đồn phóng đại độ khủng của các quả dưa đỏ An Tiêm thả trôi về đất liền, v.v… Chi tiết có, đặc tả có, hài hước dí dỏm có. Đọc rất… lọt lỗ tai.

Nhà văn Tô Hoài đã viết: “Nói miêu tả, dễ tưởng miêu tả chỉ là vẽ phong cảnh trời nắng trời mưa, chớp bể mưa nguồn và thiên nhiên = (là) cây vườn, bãi cỏ, con sông… Không, hàng đầu miêu tả là chú trọng sự việc và con người”.[5]

Vậy, “sự việc và con người” đã được ông “chú trọng” hàng đầu miêu tả trong Đảo Hoang như thế nào?
Để trả lời, xin được trích ngay câu của nhà văn: “Tiểu thuyết Đảo Hoang của tôi miêu tả ý chí con người An Tiêm bị đày từ kinh thành đến chỗ chết mà rồi lập nghiệp được ở nơi hoang vu”.[6] Đấy là ông nói tóm tắt, tổng quát, có tính mục tiêu, định hướng, đối với tác phẩm của mình. Có lẽ, từ mục tiêu, định hướng này, ông xây dựng chi tiết các sự kiện và nhân cách nhân vật theo cách của ông, mô tả chúng chi tiết và và logic (hợp lý) với những từ ngữ rất Tô Hoài. Người đọc sẽ nhận ra ngay văn của ông.

1.3. Ta hãy xem vài ví dụ trích từ Đảo Hoang:

Về lễ hội, tại hai cuộc thi nấu cơm nữ, trang 22-25:

“Bé Gái, váy áo tròn xoe, hệt mẹ, như cái bóng mẹ, bước sau mẹ con cón, bé xinh tí tẹo”.
”Đàn ếch nhốn nháo nhảy nhô nhốp tròng trành cái rổ”.
“Lại không đợi đưa cơm vào trình, các quan chấm giải nghe hiệu cồng thứ hai còn đương ngân ngư đã tiến vào xét cả hai bên.”
“Nhấc cái rổ, lũ ếch giở chứng, bỗng nhiên ngoan ngoãn kia vẫn ngồi chồm chỗm, trô trố nhô lên đủ mười bốn cái đầu đen trũi, bóng nhẫy.”
Con cón, nhô nhốp, ngân ngư, trô trố, có lẽ là các từ thuộc dạng kỹ nghệ của Tô Hoài.

”Toán nào giựt giải đây? Lòng mong ngóng của mọi người đã đổ sự tin cậy vào toán Bãi Lở, có thể vượt nốt lèo này nữa thì...”. Từ ”giựt” là phương ngữ của các tỉnh từ trung Trung Bộ trở vào, miền Bắc hay dùng từ ”giật”. Tôi nhớ vùng Nghĩa Đô, quê ngoại của nhà văn có nói từ này. Tác giả dùng cụm từ ”đổ sự tin cậy vào” quả là rất đắt. Đổ như đổ nước, làm sao lấy lại được nữa. Nghĩa là sự tin cậy ở mức gần như là hoàn toàn rồi, thậm chí là tuyệt đối.

”Kia kìa đoàn người đương nhô ra khỏi rừng, cả mười cô bước thẳng hàng ngang suốt như kẻ chiếc đòn ống”. Một cụm từ hình tượng.
“Không ai còn ngõi đến mười cô gái cõi Ất lủi thủi đi sau.” Ngõi là để ý, một từ rất lạ.

Về trái cây, quả dưa đỏ, trang 171-174:

“Dạo ấy, tìm được cái hạt gì trong đám cứt chim đem trồng chỗ hốc đằng kia. Thử lại xem cái hạt lộn kiếp ấy thế nào”. Tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao tác giả có thể nghĩ ra được một cụm từ hay đến vậy để nói về một cái hạt lạ.

”Mon trông vào hốc đá, thấy lòng thòng mấy cái dây như dây bí, khô trắng. Cái dây bò dài từ mép đá ra. Cái dây hệt dây bí, ở mỗi mấu trổ một tàn lá to tròn, đã héo vàng úa. Đến mùa quả chín thì lá vàng giữa dây. Trên đốt dây có quả to - quả bí ử. Quả này thô lố bằng đầu gối, tròn vóc và dài con như cái gối xếp gỗ. Vỏ bóng mỡ, xanh đen, lẫn với hòn đá suối đương giữa mùa nước có rêu phủ. ....... Cái quả lạ lùng, chưa được thấy bao giờ. Nhưng, tưởng như mới ngắm đã thấy đẹp, thật no mắt mát mắt. Chắc ăn được”.
”Một nhát vàng bổ xuống, quả nứt căng, tách đôi ra. Dưới lần vỏ màu xanh, hé ra một lớp cùi trắng mỏng rồi tảng ruột đặc sang sáng sàn sạn như cát, đỏ ối, lấp lánh quanh nạm hạt đen nhánh”.
Hai đoạn trên rõ ràng là sự miêu tả chi tiết, xác đáng về quả dưa lạ.

Mùi nước thơm ngọt mát kề ngay trước môi. Đương cơn khát, Mon chỉ ăn một thoáng đã hết miếng. Trông sang, hai con gấu đã nhá veo cả ruột lẫn vỏ từ lâu. Và Gấu em đương lẳng lặng khều trộm miếng còn lại trên mặt đá bên cạnh Mon”. Thật thú vị khi thấy tác giả dí dỏm nghĩ ra được hành vi này của gấu.

Về thiên nhiên, cảnh rồng cuốn nước, trang 115-118:

”Trên bờ suối, thỉnh thoảng thấy một đàn rắn đỏ hắt ngoằng đến rồi đủng đỉnh, lững lờ như một dòng lửa chảy”. ”Đỏ hắt” đi với ”dòng lửa chảy” thật hợp lý. ”Ngoằng đến”, ”đủng đỉnh, lững lờ”, tác giả miêu tả về các cái sự di chuyển của rắn sao điệu nghệ vậy.

“Cảnh cánh rừng u uất đổ mồ hôi đêm”. Cụm từ này có lẽ chỉ có nhà văn Tô Hoài mới viết ra được.

“Cả ngày, rừng oi ả như nẫu ra, không một tiếng động”. Oi ả tới mức “nẫu” như trái chuối quá nhũn không ăn được nữa. Con người và cảnh vật cũng đều bị “nhũn” vì oi bức.

”Con người mắc vào đá như những hòn sỏi, như những con chuột bị lắc đi lắc lại trong ống. Trong cơn mê hoảng, nhưng trong tiềm thức cả khi mê, con người vẫn không mất hẳn trí nhớ. Nước ộc vào hang, nước ra, những bàn tay bàn chân tưởng chết cứng, vẫn bám gờ đá, vướng chắc vào gờ đá”.
”Bỗng chốc, sóng đánh Mon vạp vào tảng đá. Mon lặng điếng, buông một tay. Tay vừa buông đã ngật ra”. Từ ”ngật” lạ quá, nếu xuất xứ từ ”ngật ngưỡng” thì nó chỉ một hành động thụ động, yếu ớt.

Trong cùng một hoàn cảnh bị sóng ”hành hạ”, kẻ gặp nạn là Mon đã được tác giả cho dùng 3 động từ khác nhau: bám, vướng, vạp. Thật là sinh động.

”Suốt một dải dài toang ngoảng,....”. ”Toang” là toang hoang, còn ”ngoảng” là gì, tra từ điển tiếng Việt chắc chắn không có.

Về động vật, cảnh gấu mẹ bị trăn núc, cảnh gấu con trong các trạng thái tư thế khác nhau, trang 141-143, 149, 151:

”Rồi cả mình con trăn nguồn lên dồn đẩy dần cái mồi gấu vào mõm”.
“Mẹ mới đẻ gấu lúc sáng sớm, còn đương liếm con. Những nạm lông xám ướt lờm nhờm”. Trạng ngữ “lờm nhờm” quá lạ trong tiếng Việt.

“Cái gì làm gấu không bằng lòng, gấu xì mõm ra, gù lưng tôm, vừa đi vừa ngồm ngoàm nhai không, như làu bàu, nhấm nhẳn”.

“Thằng này lười hơn thằng em! Lười thưỡn lưng ra thôi!”. Chữ ”thưỡn” có vẻ nhà quê mà hay quá.

”Gấu há hốc mõm, cứ đứng lớ quớ giơ hai tay như thế, như sợ quá, như lạ lùng quá, nhìn những dòng máu đương lõa lợi hai vai Mon”. ”Lõa” là chảy tràn, ”lợi” là mép, bờ, ghép lại thành ”lõa lợi” là chảy tràn qua mép, qua bờ[7]. Hai từ này rất ít dùng với nghĩa như vậy.

”Thằng Gấu anh đương lúi húi trèo lên. Gấu em cũng ngoi ngóp theo”.

“Phong tục nhà gấu xưa rày[8] như thế”. “Rày” - một từ cổ, phương ngữ, nghĩa là nay.

Các động từ “nguồn lên” đối với trăn, “ngoi ngóp theo” với gấu rất hình tượng, nhưng “ngoi ngóp” tạo thêm phần hài hước cho cảnh tả hai anh em gấu, thằng anh lúi húi lên trước, thằng em từ phía dưới trèo lên theo sau với dáng vẻ khó nhọc hơn.

Về tâm trạng kẻ gặp nạn, Ma Li được cứu sống và sợ hãi, trang 241, 243-245, 250:

“An Tiêm cũng lao xuống nước, bơi ra. Vài sải tay bắt nước đã tới gờ đá”. Cách dùng từ “bắt nước” như rất chuyên nghiệp nghề sông nước.

”Đây là đâu? Đây như đâu đâu không phải ở đường sông. Nhưng người ấy vừa nghe chính tiếng mình chép miệng. Thế là đương sống. Người ấy mở mắt. Không, không phải ta sống. Thế là cơn gió đen lại ngùn ngụt đùn lên, sóng biển cũng đen như gió, như núi. Người ấy hét một tiếng rồi nhắm nghiền mắt, lại thiếp đi”.

”An Tiêm nghe tiếng người ấy rên khẽ. Nhưng không thấy mở mắt. Thật thì người ấy lại mở mắt. Con mắt hé hờ dưới cặp mí ướt. Người ấy trông lên, lại thấy cái mặt ma xồm xoàm lông lá ngay ở đuôi mắt. Đây là đâu?”

”Người ấy đứng dậy, lểu đểu bước. Mới đấy mà đã tiều tụy trông thấy, như bộ xương biết đi lẩy bẩy. Cái khiếp, cái lo, cái buồn tàn phá con người ta”.

Trên đây mới chỉ là ba đoạn ngắn nằm trong khoảng 9 trang liên tiếp tả về chuỗi dáng vẻ, tâm trạng, hành động của Ma Li từ lúc như cái xác chết đuối trên bãi đá bờ biển cho đến khi hồi tỉnh thật sự.

”Mon xách hai cái lao, chạy bong vào rừng”. Từ ”bong” (phương ngữ) thể hiện tốc độ chạy chắc hẳn là gấp gáp, là nhanh lắm. Nó khác với ”lểu đểu” (cũng phương ngữ) có nghĩa là lảo đảo.

Về tâm trạng hồi tưởng, nhớ và thèm về đất liền, trang 183, 235, 269, 270-271, 281:

”Đến bờ bể Đông lại xa quê mình hơn. Cái gió mát trước mặt tự dưng hóa lạnh. Gió trong núi đằng sau lưng, gió từ vùng người ở quê thổi ra, gió có hơi người ấm hơn”.

“Ứớc gì đất này rồi cũng được như vậy. Rậm người hơn rậm cỏ”.

Tâm trạng của người sống biệt xứ, cô quạnh: đến cái gió mát cũng trở thành lạnh lẽo, chỉ có cái gió từ phía đất liền mới làm ấm được lòng mình; sống có chòm có xóm vẫn tốt hơn.

”Rồi mùa gặt hái lại tới. Làng làng ra vít từng bông thóc, bó tròn từng lượm thóc chồng đống. Trong tiếng trống nhịp ba giục giã, lại người uống rượu, người vào sới vật mừng cơm mới. Các lão bà cũng bê hũ rượu nếp cẩm ra. Những keo vật suốt mùa mát trời cho đến áp Tết, rền vang tiếng trống trên bờ sông Cái, đương là lúc này đây, đương lúc này đây”. Cả đoạn hồi ức này làm sống lại không khí mừng ngày mùa.

”Tiếng đưa từ biển vào, rền quen đến nỗi chưa rõ tiếng gì mà cái tiếng đã bắt thẳng vào trí nhớ, dội lại, sống lại cả bao nhiêu những cảnh, những niềm, những tiếng xa xôi ngày xưa mà An Tiêm chưa kịp nhớ rõ, nhưng thật đã thấm cảm”.

“Tiếng trống từ xa lắm rền đến. Tiếng trống này từ trong chiêm bao rền đến... Lặp lại cụm “rền đến” để thấy rằng An Tiêm đang xúc động mạnh, bồi hồi nhớ tiếng trống quê nhà.

”Mọi người bàng hoàng theo tiếng trống gióng mơ màng giữa làn sương, tiếng trống lắc lư bay từ đầu con nước xuống cuối con nước khiến cho Mon cũng ngứa chân tay, muốn sắp bước vào sới. Gái quay sang hỏi mẹ ngày trước có phải đến khi hội làng, hội vua, người ta mặc xống váy màu điều màu lục rực rỡ như con cào cào đi trảy hội và cũng nghe tiếng trống như thế, phải không, lâu ngày con quên rồi. Mẹ im lặng. Bố im lặng. Ngày còn trẻ, An Tiêm nhớ lại khi từ Ninh Hải về mới đặt chân đến Phong Châu... Mỗi người một ý nghĩ, những ý nghĩ bề bộn hình ảnh ngày trước đến xóa đi, không biết mình đương lưu lạc ở nơi hoang vắng”.

”Nàng Hoa cầm miếng cơm xôi nếp đỗ xanh, đưa lên miệng, nước mắt trào xuống.
 Gái hỏi: 
- Xôi ngon thế, sao mẹ khóc?
Nàng Hoa cười mếu máo: 
- Nửa đời người, bây giờ mới lại được trông thấy hạt cơm.
Rồi hai mẹ con cùng ăn ngon lành”.

Cụm “rền đến” được lặp lại để thấy rằng An Tiêm đang xúc động mạnh, bồi hồi nhớ tiếng trống quê nhà. Nghe thấy tiếng trống tuy chưa rõ lắm cũng đã làm Mon như muốn xông ngay vào sới vật; Gái thì hỏi màu xống váy của người trảy hội thời mình còn nhỏ ở quê nhà. Bố mẹ im lặng cả hai với ký ức đang về của người từng trải. Rồi Nàng Hoa ăn miếng xôi cũng khóc. Tác giả tả tâm trạng của từng người thật hay và logic.

2. Một chút cảm nhận về bố cục truyện

Trong bố cục truyện Đảo Hoang, tôi thích thủ pháp chuyển cảnh đột ngột ở một số chỗ của tác giả.

Đời sống con người không tránh được chuyện đau, yếu. Tô Hoài không muốn hình tượng Mon trẻ tuổi và dũng khí của mình ốm đau "lâu" trong hoàn cảnh lạc gia đình, sống cô đơn, chỉ có hai con gấu làm bầu bạn. Ông chỉ dành cho phần này có 12 dòng thôi, rồi chuyển cảnh đột ngột[9]. Mẹ của Mon, là Nàng Hoa nghe lời chồng khuyên, tự xác định không được ốm, không được gục xuống, giữ sức khỏe để còn đi tìm con trai ở những đoạn ngay tiếp sau. Cả gia đình An Tiêm đang nhớ và lo lắng rồi chuẩn bị đi tìm Mon như thế nào. Tô Hoài thật tài tình trong việc vận dụng “linh cảm” hay “thần giao cách cảm” vào sự nhớ và lo lắng cho con trai đến phát ốm của người mẹ, và của cả cô em gái nữa.

”Lời An Tiêm nói, Nàng Hoa thấy là phải. Phải kiên gan mới có sức sống tới ngày đi tìm con được. Khi nghe ra thế, Nàng Hoa cảm thấy mình khỏe, không lệt bệt yếu như trước nữa.
Nàng Hoa ngồi dậy, Nàng Hoa ra gốc cây, xách vào cái ống tre nước. Nàng Hoa đổ nước ra tay rồi vỗ lên mặt. Mặt gầy hóp, nhưng đã khô hẳn nước mắt. Nàng Hoa không khóc nữa”.
”Có khi cái Gái bỗng dưng ngẩn ngơ để rơi miếng thịt đương cầm trên tay rồi òa khóc. Thế là nước mắt lại đầm đìa xuống má Nàng Hoa. Nhưng chỉ những lúc ấy thôi, bởi vì cả Gái cũng đã hiểu nhà mình có lẽ chỉ tạm ở đây, bố mẹ đương lo đi tìm anh Mon”.[10]

Xin mời đón đọc
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 3: Đảo Hoang của cây viết tài năng Tô Hoài - Kỳ 7: “Con ong Tô Hoài” với những trải nghiệm quý.

Ba Cang

Xem thêm






Phụ lục 1
TỪ NGỮ TÔ HOÀI TRONG TIỂU THUYẾT ĐẢO HOANG
(Sắp xếp theo thứ tự trang)

TT
Từ, cụm từ
Trang
1
Tiếng chiêng tập vật
7
2
Tiếng người
8
3
Dòng nước chướng
8
4
Loài trâu nước bồn lên
8
5
Bận như mắc cửi
9
6
Ngược nước lên …
9
7
Sừng trâu ùm oàm đánh vào nhau
10
8
Nước cứ rướn lên
11
9
Con sông vùng vẫy vơ vẩn lừ đừ xuôi
12
10
Mùa màng rờ rỡ
12
11
Đông vui hàng dặm đường, đám đầu đã khuất mà đám cuối còn tụ ở đầu cõi
13
12
Mặt đỏ bồ quân
13
13
Những người gồng gánh bề bộn tuốn theo
14
14
Đi đã được một chợ
14
15
Đồn dăng dăng
16
16
Bới lũm mấy quãng đất
17
17
Phen này đến trôi ra sông về
18
18
Tiếng reo như sóng quanh bãi
18
19
Tiếng trống vẫn giọt nhịp xuống
19
20
Thuyền ve vé lướt
20
21
Tiếng chiêng nổi 4 phía, rối cả ruột
21
22
Cơn gió chúi đến
21
23
Bước sau mẹ con cón
22
24
Đàn ếch nhảy nhô nhốp
22
25
Hiệu cồng ngân ngư
22
26
Đổ sự tin cậy vào
24
27
Thơm trong trẻo
24
28
Người xem cồn lên như sóng dồn theo
25
29
Không ai còn ngõi đến
25
30
Đấu rờn, đấu bỏ
26
31
Bắp vế quặn chão
27
32
Danh tiếng thổi nhanh như gió đưa
30
33
Vuông chăm chắm
33
34
Bỡi vổng như cây chè lưu niên
34
35
Tiếng chim hót anh ánh trên khe đá
41
36
Xua không cho cơn buồn ngủ đậu xuống
42
37
Người phải đổi tay nuôi, người này vứt cho người khác
43
38
Con cá nghiêng người, nhảo ra
43
39
Cưỡi lên nước
48
40
Gà gưỡng
50
41
Nước đỏ xuộm
53
42
Vùng nấm đá đỏ hắt
53
43
Cả hòn đảo chỉ dẹt đét
58
44
Thơ thới
58
45
Vách đá trố ra
61
46
Sợ rúm kheo lại
62
47
Cầu tròng trành như cầu noi
62
48
Đám người chụm lại, bật hồng
63
49
Lạnh thít người
63
50
Mái chèo khua oàm oạp
64
51
Hốt nhiên
64
52
Những con sóng ngã vào nhau
65
53
Một lưỡi sóng đùng đùng vượt lên
66
54
chân trèo thốc lên
66
55
Giựt người xuống
66
56
Hai má nóng ửng
74
57
Him mắt
75
58
Chiêm chiếp hai vành môi
75
59
Tiếng phao phảo vào tảng đá
75
60
Ngáp hấp hối sắp nhuôi ra
75
61
Giêng hai rét đài, rét lộc
80
62
Lửa ăn ngoem ngoém
80
63
Thân cọ đỏ hỏn
82
64
Cái lo cứ mỗi hôm một xiết lại
84
65
Cơn gió tuốn đi
85
66
Bụng đói trong veo
92
67
Rách lướp tướp
94
68
Lử lả bên bếp lửa
95
69
Cố đi, hai bàn chân dần dần, lải rải
96
70
Thấp củn
97
71
Ném đùng xuống
100
72
Đống lửa phần phật reo
101
73
Khoác ngòng ngoèo trên cổ
105
74
Cuộc đời ngược nước
108
75
Gian nan có thoảng có thì
109
76
Đóng cửa cái sống
111
77
Ngoằng đến
115
78
Ánh sáng lom đom tỏa
116
79
Ngồi rụm lại
116
80
Bóng tối ngụp vào con nước
117
81
Sóng đánh vạp vào tảng đá
117
82
Tay vừa buông đã ngật ra
119
83
Vướng ngãng
122
84
Đảo nhiều như trấu rắc mặt biển
130
85
Trăng sáng trắng tinh
136
86
Vùng rừng lênh láng ánh trăng
137
87
Cả mình con trăn nguồn lên dồn đẩy dần
141
88
Lông ướt lờm nhờm
142
89
Lười thưỡn lưng
143
90
Lằm bằm mắng mỏ
144
91
Sắp mùa nắng, rừng sáng xanh lên
145
92
Dòng máu lõa lợi hai vai
149
93
Vắng đến ghê cả răng
150
94
Đàn ong à à lay động
153
95
Xưa rày
155
96
Tối đến, bốn phía rừng như cái chiếu quây lại
161
97
Lịch kịch, lọm cọm
163
98
Tảng đá rêu xanh mướt
168
99
Tròn vóc, dài con như cái gối xếp gỗ
173
100
Lửa loang cháy toang ra
177
101
Trời mà còn để cho con ta chứng sống
183
102
Rách bươm bướm
188
103
Bay quá cánh
191
104
Vàng xọng
196
105
Quả dưa thô lố
196
106
Dài đến mấy chục sải chân
197
107
Ngã nhua nhúa
202
108
Bờ nước phẳng
203
109
Nhảo xuống
204
110
Chim gào quạc quạc
204
111
Ăn vọ mồi
206
112
Ngọn lửa rướn lên
211
113
Khép mắt đợi ngủ
212
114
Sáng mát rợi
212
115
Nhà ngoãm
218
116
Ý ăn, nhẽ ở
218
117
Trừ tà lấy khước
219
118
Lấy đá cuội giọt ra
219
119
Nhà năm gian có giại che
233
120
Dân hàng trại
235
121
Rậm người hơn rậm cỏ
235
122
Tiếng quằng quặc như sặc nước
240
123
Bơi vài sải tay bắt nước
241
124
Lểu đểu bước
250
125
Anh ả
251
126
Làng trên chạ dưới
263
127
Cơn bão cồn tới
264
128
Trương tấm buồm cói vỉ lên
264
129
Khô sạm
264
130
Khói sóng
266
131
Bỗng bắt một cái rùng mình
268
132
Đầu bạc phơ phơ
278
133
Buồm ăn gió
284
134
Ví tày
287
135
Thúng câu ve vé xuôi nước
287
136
Bãi dưa đương bỡi
289
137
Mải sắm nắm
291
138
Ngồi vào chiếu miến
291
139
Chân duỗi chăm chắm
293
140
Ngoáy lái
293
141
Bơi đều như con giải mười khúc
295
142
Thổi cong cả sóng nước
296
143
Làn sóng truồi đi truồi lại
297
144
Tiếng gáy thật trong óng
302
145
Nước óng ánh, nước mắt
302
146
Móng chân gấu khoắm xuống
305





[1] Phụ lục 1 - Từ ngữ Tô Hoài trong tiểu thuyết Đảo Hoang, cuối bài viết này.
[2] Nhà văn ”Dế Mèn”, Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, NXB Giáo dục, tái bản lần thứ nhất, 1998.
[3] Phong Lê, Tô Hoài, sáu mươi năm viết…, TÔ HOÀI Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2000.
[4] Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài, Luận văn ThS. ngành Văn học Việt Nam, Mai Thị Nga, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
[5] Lời tựa, Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, NXB Giáo dục, tái bản lần thứ nhất, 1998.
[6] Bài phát biểu nhân dịp nhận giải thưởng Hồ Chí Minh 1996 – Báo Văn nghệ 26/10/1996, Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, NXB Giáo dục, tái bản lần thứ nhất, 1998.
[7] Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển học-NXB Giáo dục, in lần thứ ba, 1994.
[8] Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển học-NXB Giáo dục, in lần thứ ba, 1994.
[9] Đảo Hoang, trang 177-178.
[10] Đảo Hoang, trang 178.