12/7/15

Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 3: Đảo Hoang của cây viết tài năng Tô Hoài - Kỳ 7: “Con ong Tô Hoài” với những trải nghiệm quý

(Ba Cang)- KỲ 7 VÀ HẾT

3. "Con ong Tô Hoài” với những trải nghiệm quý

3.1. Kinh nghiệm quan sát và ghi chép của một nhà văn chuyên nghiệp

Nhà văn Tô Hoài nổi tiếng đi nhiều, làm nhiều công việc khác nhau, quan sát và ghi chép tỷ mỷ, các bạn nghề đã công nhận như vậy[1].
Những từ ngữ đã dùng, những “thước phim” miêu tả trong Đảo Hoang, nếu không có thực tế như nhận xét trên làm sao mà có được.

GS Phong Lê đã viết về Tô Hoài rằng: “Đã quen thuộc với lao động của ông, thế mà tôi vẫn không hết ngạc nhiên về sự kỳ khu, tỉ mỉ trong thâm nhập vào thế giới vừa dân gian vừa dã sử mà tái hiện cho được diện mạo đời sống như có thể có trong lịch sử. Để có được kết quả đó, như trong Đảo Hoang, Nhà Chử, Tô Hoài đã bỏ vào đấy bao nhiêu thời gian để học, đọc, ghi chép, khảo chứng, đối chiếu, chọn lựa, khiến cho người đọc khó tính, kể cả người có tri thức chuyên sâu cũng phải vị nể”[2].

3.2. Kho từ vựng

Như ở Kỳ 6 tôi đã trình bày, chỉ riêng ở Đảo Hoang đã có 146 “từ ngữ Tô Hoài”.

Do tự tạo nếp cóp nhặt và sáng tạo thường xuyên, nhập tâm tốt, có trí nhớ tốt nên nhà văn có một “tổng kho” từ vựng luôn dồi dào, được sử dụng với công suất theo nhu cầu sáng tác. Cái kho từ vựng đó còn là công cụ hữu ích khi ông đọc góp ý cho tác phẩm của các nhà văn trẻ; hoặc khi đọc một từ điển chuyên ngành văn hóa[3], ông đã phát hiện nhiều chỗ viết sai, không phù hợp, rồi ghi nội dung cần sửa; v.v...
Bút tích “đánh trống đồng thúc xuống mặt trống, còn có tên dùi trống” của nhà văn Tô Hoài bổ sung cho từ vựng TRỐNG ĐỒNG tại trang 647 trong Từ điển Văn hóa dân gian Việt Nam. Ảnh chụp lại: Ba Cang.

3. 3. Như một cẩm nang đi rừng núi, đi đảo, về phong tục tập quán xã hội cổ xưa

Trong Đảo Hoang có rất nhiều đoạn miêu tả rừng, động vật trong rừng, cảnh bão gió trên biển, ở đảo; kinh nghiệm tìm nước, đánh lửa, tìm cây, trái, củ ăn được; kinh nghiệm làm nhà; kinh nghiệm dệt vải bằng vỏ sui; kinh nghiệm xem, dự báo thời tiết; v.v...

“Trong những tác phẩm viết về thời dựng nước xa xưa, Tô Hoài tạo dựng được không khí và màu sắc huyền sử bằng những bức tranh chi tiết cụ thể sống động về phong tục, sinh hoạt, lao động của thời xưa ….. (Đảo hoang, Nhà Chử)”[4]. Cụ thể một số ví dụ: 

Về trang phục: Các cụ bà mặc váy sồi, thắt lưng sồi mộc, chít khăn vuông điều; Các cụ ông mặt đỏ bồ quân, tay cầm quạt mo tre.[5]

Về tìm hiểu các khía cạnh đời sống xã hội: Tục đánh cá, đánh cược: “Có những người hàng năm đánh cược ăn giải, ai kiên gan đoán cõi Ất được, năm nào hết hội cũng được giắt về nhà mình hàng đàn trâu, đàn ngựa”[6]. Tục xem bói tỏi gà, chân gà; kể vè[7].

Với các bạn chưa biết các nội dung ở hai mục 3 và 4, thì Đảo Hoang có thể được coi là một cảm nang hữu ích tùy theo mục đích tham khảo.

4. Những bài học mang tính thời sự

Tiểu thuyết Đảo Hoang là một bài ca về ý chí, cần cù, dũng cảm trong lao đông trị thủy, mở mang bờ cõi, vượt khó khăn để sống tồn tại trên hoang đảo và trở về đất liền. Bài học thứ nhất là, con người phải cần cù, có ý chí, có tri thức và sáng tạo trong lao động.

An Tiêm và Mon luôn chiến thắng trong các cuộc thi hội, vượt qua được những khó khăn tưởng chừng như sắp ngã gục trên hoang đảo. Bài học thứ hai là, phải luôn rèn luyện qua lao động và các hoạt động hữu ích để có sức khỏe dẻo dai, sự lanh lẹn hơn người, làm việc hiệu quả.

An Tiêm bị án đi đày do các kẻ xiểm nịnh, ganh ghét gây ra[8]. Toán lính thuyền chở gia đình An Tiêm bị tống giam do để người lạ lên thuyền[9]. Bài học thứ ba liên quan về pháp luật là: phải bảo vệ những người ngay thẳng; phòng tránh và xử lý triệt để án oan; xử lý vi phạm phải nghiêm minh.

Trong Đảo Hoang có so sánh các cuộc thi cơm nén dần mất ý nghĩa xưa với các biểu hiện ganh đua, thậm chí có cả cướp, giết nữa[10]; tính hợm của, ham sơn hào hải vị, của lạ từ phương bắc, từ các nước ngoài khác[11]; kẻ thắng nhiều năm/nhiều lần thường kênh kiệu hoặc gian dối[12]. Bài học thứ tư là, phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội, khuyến khích các quan điểm về nếp sống văn minh (“mình vì mọi người, mọi người vì mình”, chống thói hư tật xấu, v.v…).

Vài câu kết cho bài viết

Cùng đề tài về Mai An Tiêm - Quả dưa hấu, đã có nhiều người viết khác nhau. Viết tóm tắt về sự tích quả dưa đỏ trên dưới 500 từ có, viết dài hơn khoảng 1.200 – 1.500 từ có, vẽ tranh truyện với trên dưới 10 hình có, làm thơ song thất lục bát 252 từ có[13], nhưng viết thành tiểu thuyết Đảo Hoang 307 trang, khoảng 14.400 từ, mới chỉ có nhà văn Tô Hoài lướt bút. Ngòi bút điêu luyện của “ông Dế mèn” đã khiến một người ham đọc như tôi, càng đọc Đảo Hoang càng thấy ham đọc nữa văn của Cụ. Khi đọc Đảo Hoang hay các tác phẩm khác của Cụ, càng vấp vào những “từ ngữ Tô Hoài” tôi càng thấy tò mò, rồi tự suy luận, tra cứu để hình dung được phần nào, tại sao Cụ lại dùng những từ ngữ đó. Những câu, những đoạn hoặc trường đoạn miêu tả trong Đảo Hoang đã khiến mắt tôi như dán vào đó.

Tính từ khi ra mắt đầu tiên năm 1970 đến năm 2011 Đảo Hoang đã có 8 lần tái bản của NXB Kim Đồng, chứng tỏ tác phẩm vẫn đứng vững trong lòng bạn đọc.

Tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Nga, in chung trong То Хоай. Избранное (Tô Hoài - tuyển tập), do NXB Văn học Nghệ thuật của Liên Xô (cũ) ấn hành năm 1980[14].

Tôi có cảm nghĩ tiểu thuyết Đảo Hoang như là một bức tranh đẹp và hoành tráng, như là một kịch bản văn học của cuốn phim huyền sử đầy hấp dẫn. Tôi mong mỏi và hy vọng có ai đó sẽ chuyển thể tác phẩm này thành phim truyện trong thời gian sắp tới.

Tôi xin mượn câu của GS Phong Lê viết trong Lời giới thiệu cho TÔ HOÀI Về tác gia và tác phẩm để kết thúc bài cảm nhận này:
“Có biết bao nhiêu người trong nghề hoặc ngoài nghề nhìn vào tuổi thọ và sức lao động đầy hiệu quả ấy mà thèm”.[15]

Ba Cang

Xem thêm







Phụ lục 2
Một số truyện cùng đề tài về
sự tích Quả dưa đỏ và Mai An Tiêm
(giới thiệu và trích dẫn)

TRUYỆN DƯA HẤU, 409 từ

(Nhà văn Tô Hoài dẫn trong Lĩnh Nam Chích quái, đưa vào Lời tựa của Đảo Hoang. Tôi lấy truyện này làm gốc, đăng toàn văn, để so sánh các điểm khác biệt giữa một số truyện cùng đề tài)

”Đời Hùng Vương có người bầy tôi, khi bẩy tuổi, vua mua được của thuyền buôn đem về làm đầy tớ, sau lớn lên, diện mạo đoan chính, nhớ thuộc các sự vật, vua đặt tên là Mai Yển hiệu An Tiêm, lại lấy vợ cho, sinh một trai một gái. Vua yêu, dùng làm quan, lễ lạt đầy nhà, không thiếu thức gì.
An Tiêm sinh kiêu ngạo, thường nói: ”Cái gì cũng là vật tiền thân của tôi cả”[16], không nghĩ đến ơn vua. Vua nghe thấy, giận lắm mà rằng: ”Mày là kẻ thần tử sinh kiêu mạn, không nhớ ơn vua, cái gì cũng bảo là của tiền thân, bây giờ bỏ mày ra nơi không có người ngoài bể xem mày có còn của tiền thân nữa không”.

Bèn đẩy ra ngoài cửa Nga Sơn, bốn bề toàn cát và nước, không vết chân người, chỉ để cho một số lương đủ ăn ít lâu, định cho ăn hết thì chết đói.

Vợ An Tiêm than khóc, An Tiêm cười mà rằng: ”Trời sinh ta, tất trời nuôi ta, sống chết ở trời, ta có lo gì”.

An Tiêm ở đảo được bốn tháng, bỗng thấy con chim trắng từ phía tây bay lại, đậu đầu núi, kêu lên ba bốn tiếng, sáu bảy hạt quả theo tiếng kêu mà rơi xuống bãi cát. Ít lâu sau, những hạt ấy mọc lên cây xanh rì, rồi thành quả. An Tiêm mừng rỡ: ”Cái này không vật lạ, chính là cái trời cho để nuôi ta”. Bèn bổ ra mà ăn, thấy vị ngọt và mát, tinh thần sảng khoái.

Về sau, mỗi năm trồng nhiều thêm ra, ăn không hết, gặp thuyền buôn đến, đem đổi lấy gạo. 

Nhân vì chim trắng ngậm hạt từ phía tây bay tới nên gọi là tây qua. Phường chài, phường buôn đều thích thứ dưa ấy; hàng xóm xa gần thì đến lấy giống.

Lâu rồi, vua nhớ tới An Tiêm, cho người ra chỗ đảo hoang xem còn sống hay chết. Sứ giả về tâu vua, vua than rằng: ”Thế ra cái gì cũng là vật tiền thân, không sai”. Bèn triệu An Tiêm về, phục chức cũ, lại cấp cho nô tì.

Đặt tên nơi ấy là châu An Tiêm, chỗ xóm ở gọi là Mai thôn...”


LĨNH NAM CHÍCH QUÁI – TRUYỆN DƯA HẤU[17], 530 từ

Các điểm khác biệt:
“đày Mai Yển ra ngoài cửa bể huyện Thán Sơn[18]”, 

“ban cho một số lương thực đủ ăn bốn năm tháng để cho ăn hết thì chết”.


Sự tích quả dưa hấu[19], 1.230 từ

Các điểm khác biệt:

Vua Hùng Vương thứ mười bảy

“cho đem một cái gươm cùn hộ thân”, “năm ngày lương thực, một chiếc nồi

Nàng Ba, vợ An Tiêm”

“Tìm mãi mới thấy vài thứ quả chát chua và rau dại ăn tạm cho đỡ đói. Từ đấy, ngày ngày An Tiêm trồng rau và tìm quả, nàng Ba thì ra bờ biển mò con ngao, cái hến. Đứa con lớn của An Tiêm bắt chước cha cũng cặm cụi làm bẫy đánh chim. Nhưng rồi chim dần dần quen bẫy, có khi suốt ngày thằng bé không bắt được một cái lông. Cá nhiều nhưng không lưới, quả thì có mùa. Cho nên thức ăn chính của vợ chồng con cái An Tiêm vẫn là mấy thứ rau dại mà chàng trồng thành rau vườn”.

“tiếng quạ kêu ngoài bãi”, “nàng Ba bảo chồng: Anh ra xem thế nào!”

“An Tiêm cẩn thận cắt cho mỗi người một mảnh nhỏ ăn thử

“Tất cả nông cụ chỉ gồm có một cái gươm cùn và mấy hòn đá mài bén, Quả nhiên một hôm có một chiếc thuyền ghé đến hỏi xem ai đã trồng được giống dưa quý, để đổi về đem bán trên đất liền. Từ đấy An Tiêm đổi được các thức ăn dùng thường ngày và còn cất được một cái nhà lá xinh xinh”.


Sự tích dưa hấu[20], 1.487 từ

Các điểm khác biệt:

Chàng là người ở một nước đâu tận vùng biển phía Nam, bị bán làm nô.

Càng ngày vua càng yêu dấu, không lúc nào rời. Năm ba mươi lăm tuổi, chàng làm quan hầu cận, có một ngôi nhà riêng ở gần cung vua. Vợ Mai là con gái nuôi của vua đã sinh được một trai lên năm tuổi.

Một hôm, trong một bữa tiệc đãi các quan khách, Mai An Tiêm nhún nhường bảo họ: - ….. Bởi vì tôn giáo xứ sở chàng bảo rằng cái sướng cái khổ hiện tại là kết quả của sự ăn ở tốt hay xấu của tiền kiếp.

Bấy giờ chàng mới hiểu chàng lỡ lời. Mai tự bảo: - "Nếu từ nay trở đi ta bị đày đọa là vì kiếp trước ta đã cư xử không phải".

Nhiều người đề nghị xử tử. Có người đề nghị cắt gót chân , Nhưng sau khi ra lệnh, vua còn dặn: - "Cho hắn lương vừa đủ dùng trong một mùa, nghe không".

Hôm đi đày, tuy ai nấy hết lời can ngăn nhưng vợ Mai An Tiêm vẫn nhất quyết theo chồng ra hải đảo. Nàng bồng cả con trai đi theo. Tất cả mọi người đều cho là việc rồ dại.

Từ hôm đó hai vợ chồng cố trồng thêm cho thật nhiều dưa. Họ trù tính ăn dưa thay cơm để đỡ phải dùng số gạo đã gần kiệt.

Một hôm vợ chồng Mai bắt gặp một chiếc thuyền đánh cá đi lạc ra đảo. Sau khi giúp họ sửa buồm lái để trở về đất liền, Mai còn đưa biếu một số dưa để họ đưa về cho mọi người nếm thử. Mai bảo họ chở gạo ra đổi lấy dưa.

Ngày ấy người ta tranh nhau mua dưa lấy giống cho nên chỉ trong vài ba năm giống dưa lan tràn khắp nơi., Dân gọi tôn là "Bố cái dưa Tây".

“Lại nói chuyện vua Hùng một hôm la rầy viên quan hầu đã vì dốt nát để thợ dựng hỏng một ngôi nhà. Vua buột miệng than thở - "Phải chi có Mai An Tiêm thì đâu đến nỗi". Ngày hôm đó vua nhắc mãi đến chàng. Đã hai lần vua cho hỏi Lạc hầu xem hiện giờ Mai đang làm gì ở đâu. Lạc hầu đáp liều: - "Chắc hắn không còn nữa!".

Nhưng vua không tin. Vua sai ngay một tên nô khác cấp cho lương ăn và thuyền để hắn vào châu Ái tìm Mai An Tiêm. Một tháng sau, hắn ta mang về cho vua một thuyền đầy dưa Tây và nói:

- Đây là lễ vật của ông bà Mai dâng bệ hạ.

Rồi hắn tâu tiếp:

- Bây giờ ông bà Mai đã có nhà cửa ở ngoài ấy khá đẹp, có đến hơn mười người hầu hạ, có bãi dưa, có ruộng lúa và rất nhiều lợn gà...”.

“Vua lại ban cho hai người con gái hầu để an ủi chàng”.

Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng Mai trên đảo vẫn còn dòng dõi đông đúc. Họ lập thành làng gọi là làng Mai-an. Ở ngôi nhà cũ của Mai thì họ lập đền thờ hai vợ chồng chàng”.


Bài thơ về sự tích Mai An Tiêm[21], 252 từ

Bài thơ thể song thất lục bát, gồm 9 đoạn.

Những điểm khác biệt:

Hùng Nghị Vương đã nên minh chúa,
Có người dâng một đứa hài nhi”.

“Vua giận đày ra đảo Nga Sơn”.

“Nhưng chàng vẫn ung dung vui vẻ,
Ra công làm lặng lẽ yêu đời”.

“Đức vua càng ngẫm càng yêu,
Bèn sai sứ triệu về triều đoàn viên”.

Trích đoạn gần cuối bài:

“Xét Mai Yên quả là người trí,
Không a dua siểm mỵ xu thời.
Gian lao chẳng chút oán trời,
Chịu oan đày đọa không lời trách ai”.


Sự tích quả dưa đỏ[22], truyện tranh

Truyện kể bằng tranh, bao gồm 1 tranh đề dẫn, 10 tranh nội dung có lời  diễn giải.

Những điểm khác biệt:

Lai lịch của An Tiêm là người trong nước, không phải chú bé nô bộc người nước ngoài.
Mai An Tiêm có 3 con.

An Tiêm đào đất lấy nước uống, vợ xuống ven biển mò được cua, cá ăn thêm”.



Truyện tranh Sự tích quả dưa hấu[23]


Truyện bao gồm 1 bìa, 7 trang nội dung có lời diễn giải rất ngắn. Truyện tranh này “bị phê phán có nội dung sai lệch, hình ảnh bạo lực, gây cười không phù hợp”.

Những điểm khác biệt:

“Vợ Mai An Tiêm trả lời chồng: “Vâng, anh nói đó nha!”, “dùng nhan sắc để bắt cá về ăn thịt”
“An Tiêm cho con cây búa để chơi”.

“Trong cuộc trò chuyện của bố mẹ, con Mai An Tiêm đã "nói leo".

Con trai Mai An Tiêm đánh hổ

Mai An Tiêm bắn voi, máu loang cả trang truyện”.




[1] Xem các bài đăng trong TÔ HOÀI Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2000.
[2] Phong Lê, Tô Hoài, sáu mươi năm viết…, TÔ HOÀI Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2000.
[3] Từ điển VĂN HÓA CỔ TRUYỀN VIỆT NAM, NXB Thế giới, 1995. Quyển của Lê Hồng Trà My, cháu ngoại nhà văn Tô Hoài, đang giữ.
[4] Tô Hoài và một phong cách tiểu thuyết. Nguồn: TTVH, http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8683
[5] Đảo Hoang, trang 13-14.
[6] Đảo Hoang, trang 18.
[7] Đảo Hoang, trang 16.
[8] Đảo Hoang, trang 38-39, 46.
[9] Đảo Hoang, trang 53.
[10] Đảo Hoang, trang 31.
[11] Đảo Hoang, trang 31-32.
[12] Đảo Hoang, trang 16-17-29
[13] Phụ lục 2 - Một số truyện cùng đề tài về Quả dưa đỏ và Mai An Tiêm (giới thiệu và trích dẫn).
[15] Phong Lê, Tô Hoài, sáu mươi năm viết…, TÔ HOÀI Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2000.
[16] Vật có từ kiếp trước. Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, có nhiều “kiếp” khác nhau.
[18] Chú thích trong bài: Có bản viết là “Giáp Sơn 莢山”, “Nham Sơn 岩山”.
[21] Bài thơ không đề. Nguồn: Theo Nguyễn Hữu Hiệp (Dân Việt), http://docbao.vn/tin-tuc/27-01-2014/Vi-sao-nguoi-Viet-chung-cung-dua-hau-tren-ban-tho/13/216788/
[23] Nguồn: Theo Giáo Dục Việt Nam, http://news.zing.vn/Vo-Mai-An-Tiem-dung-nhan-sac-de-bay-ca-post279508.html