24/7/15

Bài tóm tắt CẢM NHẬN ĐỌC ĐẢO HOANG CỦA TÔ HOÀI


(Ba Cang)- Bài tóm tắt
CẢM NHẬN ĐỌC ĐẢO HOANG CỦA TÔ HOÀI
(Bài viết nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Tô Hoài,
mồng 10 tháng 6 năm Ất Mùi 2015)


Nhà văn Tô Hoài – tác giả của gần 200 tác phẩm văn học, trong đó có Dế mèn phiêu lưu ký, tác phẩm làm say sưa bao thế hệ thiếu nhi, đã về với tiên tổ nhằm ngày mười tháng sáu năm Giáp Ngọ (tức ngày 06/7/2014), thọ 95 tuổi. Hôm nay đã cận kề ngày giỗ đầu (theo âm lịch) của Cụ. Người viết bài bài này xin được kính thắp một nén nhang tưởng nhớ tới Cụ.

Gia đình nhà văn Tô Hoài viếng mộ Cụ sáng 23/7/2015.

Đọc Đảo Hoang, những âm thanh vang động của chiêng, cồng, trống, những cảnh trăng rằm, cảnh tả cây muỗm, hoa cau, hoa móng rồng… cùng với sinh hoạt lễ hội thi thổi cơm, đấu vật đã cuốn hút tôi.

Trong Đảo Hoang, cốt truyện truyền thống theo sự kiện đã được tác giả xây dựng. Đó là cốt truyện giản dị, dễ hiểu. Cách xây dựng nhân vật cũng đặc trưng kiểu Tô Hoài là tập trung cho các nhân vật chính – anh hùng của truyện. 

Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi muốn dành thời gian đề cập nhiều hơn về hai mảng kỹ nghệ từ ngữ và nghệ thuật miêu tả của nhà văn Tô Hoài, luôn đi cùng nhau, hòa quyện nhau và là sở trường của ông.

Kỹ nghệ từ ngữ và nghệ thuật miêu tả 
Tôi mạo muội dùng cụm từ “kỹ nghệ từ ngữ”, vì Tô Hoài là một trong các bậc thầy về từ ngữ của nền văn học Việt Nam hiện đại. Kỹ là kỹ thuật, nghệ là nghệ thuật. Kỹ thuật ở đây là cách dùng con chữ tiếng Việt nhuần nhuyễn, điêu luyện tới mức nghệ thuật. Ông khảo cứu sách sử để dùng từ cổ, đi thực tế rất nhiều, đọc sách báo rất nhiều để có các “tiếng địa phương” (phương ngữ), “tiếng lóng”, “tiếng nghề nghiệp”, các từ dân dã thường ngày, các từ mới đã đành, mà tự bản thân ông đã sáng tạo ra rất nhiều từ mới trong các tác phẩm của mình. Nhiều trong số các từ mới này, có lẽ chỉ có ngòi bút của ông mới viết nổi. Bởi vậy, tôi mới mạo muội lần nữa xin có thêm cụm từ thứ hai là “Từ ngữ Tô Hoài”.

Đặc trưng của từ ngữ Tô Hoài là tượng hình (ví dụ: bận như mắc cửi), tượng thanh (tiếng người hí), là độc đáo (cánh rừng u uất đổ mồ hôi đêm), là kỹ nghệ (nhảy nhô nhốp). Tôi đã tỉ mẩn liệt kê có 146 từ ngữ kiểu như vậy trong Đảo Hoang.[1]

Đọc văn Tô Hoài có vẻ như phải động não một chút về từ ngữ, không như những truyện viết chỉ để giải trí đơn thuần. Nhưng cái yêu cầu động não này còn hay hơn cái sự nhíu trán nhăn mày khi đọc lời lẽ chữ nghĩa của một số không ít người viết trên các trang mạng hiện nay.

Mai Thị Nga trong Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài, luận văn thạc sỹ của mình năm 2012, có đoạn viết về nghệ thuật miêu tả của Tô Hoài: “Với Đảo hoang, tác giả đã dựng lại cả một thời huyền sử xa xưa mang lại cho người đọc âm hưởng vừa hào hùng, vừa lãng mạn như bản ca đi mở đất của Vua Hùng”.

Trong Đảo Hoang tôi rất khoái các đoạn về anh em nhà gấu ăn dưa hấu quá nhiều, ngủ không thở được, khiến Mon tưởng chúng bị ngộ độc sắp chết; hay đoạn tả sự hoảng sợ rất lạ, dai dẳng của Ma Li sau khi được bố con nhà An Tiêm cứu vớt khỏi vụ đắm thuyền; rồi đoạn kể lời đồn phóng đại độ khủng của các quả dưa đỏ An Tiêm thả trôi về đất liền, v.v… Chi tiết có, đặc tả có, hài hước dí dỏm có.

Nhà văn Tô Hoài đã viết: “Nói miêu tả, dễ tưởng miêu tả chỉ là vẽ phong cảnh trời nắng trời mưa, chớp bể mưa nguồn và thiên nhiên = (là) cây vườn, bãi cỏ, con sông… Không, hàng đầu miêu tả là chú trọng sự việc và con người”.

Một chút cảm nhận về bố cục truyện
Trong bố cục truyện Đảo Hoang, tôi thích thủ pháp chuyển cảnh đột ngột ở một số chỗ của tác giả.

Tô Hoài không muốn hình tượng Mon trẻ tuổi và dũng khí của mình ốm đau “lâu” trong hoàn cảnh lạc gia đình, sống cô đơn, chỉ có hai con gấu làm bầu bạn. Ông chỉ dành cho phần này có 12 dòng thôi, rồi chuyển cảnh đột ngột. Cả gia đình An Tiêm đang nhớ và lo lắng rồi chuẩn bị đi tìm Mon như thế nào. Tô Hoài thật tài tình trong việc vận dụng “linh cảm” hay “thần giao cách cảm” vào sự nhớ và lo lắng cho con trai đến phát ốm của người mẹ, và của cả cô em gái nữa.

Kinh nghiệm quan sát và ghi chép của một nhà văn chuyên nghiệp
Nhà văn Tô Hoài nổi tiếng đi nhiều, làm nhiều công việc khác nhau, quan sát và ghi chép tỷ mỷ, các bạn nghề đã công nhận như vậy[2].

GS Phong Lê, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, viết về Tô Hoài rằng: “Để có được kết quả đó, như trong Đảo Hoang, Nhà Chử, Tô Hoài đã bỏ vào đấy bao nhiêu thời gian để học, đọc, ghi chép, khảo chứng, đối chiếu, chọn lựa, khiến cho người đọc khó tính, kể cả người có tri thức chuyên sâu cũng phải vị nể”.

Kho từ vựng
Do tự tạo nếp cóp nhặt và sáng tạo thường xuyên, nhập tâm tốt, có trí nhớ tốt nên nhà văn có một “tổng kho” từ vựng luôn dồi dào, được sử dụng với công suất theo nhu cầu sáng tác, hoặc khi ông đọc góp ý cho tác phẩm của các nhà văn trẻ, v.v...

Như một cẩm nang đi rừng núi, đi đảo, về phong tục tập quán xã hội cổ xưa
Trong Đảo Hoang có rất nhiều đoạn miêu tả rừng, động vật trong rừng, cảnh bão gió trên biển, ở đảo; kinh nghiệm tìm nước, đánh lửa, tìm cây, trái, củ ăn được; kinh nghiệm làm nhà; kinh nghiệm dệt vải bằng vỏ sui; kinh nghiệm xem, dự báo thời tiết; v.v...

Về trang phục: Các cụ bà mặc váy sồi, thắt lưng sồi mộc, chít khăn vuông điều; Các cụ ông mặt đỏ bồ quân, tay cầm quạt mo tre.

Về một vài tục dân gian trong đời sống xã hội: Tục đánh cá, đánh cược: “Có những người hàng năm đánh cược ăn giải, ai kiên gan đoán cõi Ất được, năm nào hết hội cũng được giắt về nhà mình hàng đàn trâu, đàn ngựa”. Tục xem bói tỏi gà, chân gà. Tục kể vè.

Những bài học mang tính thời sự
Tiểu thuyết Đảo Hoang là một bài ca về ý chí, cần cù, dũng cảm trong lao đông trị thủy, mở mang bờ cõi, vượt khó khăn để sống tồn tại trên hoang đảo và trở về đất liền. Bài học thứ nhất là, con người phải cần cù, có ý chí, có tri thức và sáng tạo trong lao động.

An Tiêm và Mon luôn chiến thắng trong các cuộc thi hội, vượt qua được những khó khăn tưởng chừng như sắp ngã gục trên hoang đảo. Bài học thứ hai là, phải luôn rèn luyện qua lao động và các hoạt động hữu ích để có sức khỏe dẻo dai, sự lanh lẹn hơn người, làm việc hiệu quả.

An Tiêm bị án đi đày do các kẻ xiểm nịnh, ganh ghét gây ra. Toán lính thuyền chở gia đình An Tiêm bị tống giam do để người lạ lên thuyền. Bài học thứ ba liên quan về pháp luật là: phải bảo vệ những người ngay thẳng; phòng tránh và xử lý triệt để án oan; xử lý vi phạm phải nghiêm minh.

Trong Đảo Hoang có so sánh các cuộc thi cơm nén dần mất ý nghĩa xưa với các biểu hiện ganh đua, thậm chí có cả cướp, giết nữa; tính hợm của, ham sơn hào hải vị, của lạ; kẻ thắng nhiều năm/nhiều lần thường kênh kiệu hoặc gian dối. Bài học thứ tư là, phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội, khuyến khích các quan điểm về nếp sống văn minh (“mình vì mọi người, mọi người vì mình”, chống thói hư tật xấu, v.v…).
Vài câu kết cho bài viết
Cùng đề tài về Mai An Tiêm - Quả dưa hấu, đã có nhiều người viết khác nhau, nhưng viết thành tiểu thuyết Đảo Hoang 307 trang, khoảng 14.400 từ, mới chỉ có nhà văn Tô Hoài lướt bút. Ngòi bút điêu luyện của “ông Dế mèn” đã khiến một người ham đọc như tôi, càng đọc Đảo Hoang càng thấy ham đọc nữa văn của Cụ. Khi đọc Đảo Hoang hay các tác phẩm khác của Cụ, càng vấp vào những “từ ngữ Tô Hoài” tôi càng thấy tò mò, rồi tự suy luận, tra cứu để hình dung được phần nào, tại sao Cụ lại dùng những từ ngữ đó. Những câu, những đoạn hoặc trường đoạn miêu tả trong Đảo Hoang đã khiến mắt tôi như dán vào đó.

Tính từ khi ra mắt đầu tiên năm 1970 đến năm 2011 Đảo Hoang đã có 8 lần tái bản bởi NXB Kim Đồng, chứng tỏ tác phẩm vẫn đứng vững trong lòng bạn đọc.

Tôi có cảm nghĩ tiểu thuyết Đảo Hoang như là một bức tranh đẹp và hoành tráng, như là một kịch bản văn học của cuốn phim huyền sử đầy hấp dẫn. Tôi mong chờ và hy vọng tác phẩm này sẽ được chuyển thể thành phim truyện trong thời gian sắp tới.

Cụ bà bên cụ ông tại mộ, ngày 23/7/2015. 

Ảnh: Nguyễn Mạnh Phúc.

Ba Cang
Hà Nội, 24/7/2015


[1] Phụ lục 1 - Từ ngữ Tô Hoài trong tiểu thuyết Đảo Hoang, Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài, bài viết chi tiết, trang 50 và tại Kỳ 6, Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài, đăng trên blog Ba Cang.
[2] TÔ HOÀI Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2000.

Mời xem nội dung đầy đủ của bài viết:
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 1: Lời dẫn - Kỳ 1: Lý do dẫn dắt.