19/8/13

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 8: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm – một con người nhân hậu, có nghị lực, đa tài và có cánh tính mạnh mẽ

Bài này, kỳ 8 của loạt bài “Người rừng Việt Nam” trên Ba Cang blog, tóm tắt lại một lần nữa và đưa ra nhận định cá nhân về “người rừng” Trần Ngọc Lâm của người viết – người kể chuyện lại từ loạt 13 bài phóng sự của nhà báo Phạm Ngọc Dương đăng trên báo điện tử VTC cuối năm 2012. An Bường và Ba Cang blog xin có lời cảm ơn tác giả Phạm Ngọc Dương và VTC đã có loạt bài phóng sự rất hay này.

Cảm ơn ông Trần Ngọc Lâm, một con người bản lĩnh, đầy nghị lực, một tấm gương sáng để nhiều người học tập. Chúc ông Lâm luôn khỏe, tiếp tục thực hiện các việc hữu ích cho Hoàng Liên Sơn nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Liều lĩnh và kiên định khác thường
Ông Lâm đã rất nản khi biết mình mắc bệnh nan y. Được người em ruột đồng cảm, ông không muốn sống lay lắt, làm khổ vợ con và nghĩ rằng quãng đời còn lại làm gì được cho vợ con thì cố mà làm.
Rồi ông giấu bệnh tật của mình, không nói cho ai biết và làm việc cật lực để mong mất nhiều sức, chết nhanh hơn. Thuốc cũng không uống, vì uống thuốc mà vẫn chết thì uống làm gì, ông nghĩ vậy.
Ông làm việc trong một xưởng sửa chữa ô tô. Những lúc đau quá, ông ra sức quay máy để quên cơn đau, để được chết nhanh. Vận động quá sức, khiến máu ộc cả ra mồm, mũi. Ông cắn tấm khăn nhịn đau để làm việc. Có ngày cơn đau dữ dội, ông nghiến nát mấy cái khăn. 
Ông cứ nhằm lúc nào cơn đau đến là lao vào làm việc quần quật. Càng đau ông càng làm việc hăng hái hơn. 
Thời gian sang Trung Quốc làm việc, với ông có xảy ra một sự kiện oai hùng. Ở trận huyết chiến tay không một mình với thầy trò trùm giang hồ Lìu Cắm Xìn có đầy hung khí, ông bị gãy xương. Ông tự nắn xương cho mình rồi vào nhà một người bạn nằm cố định suốt tháng trời trên giường. 
Vừa đi lại được, ông về ngay Lào Cai tìm công ăn việc làm. Ai thuê cái gì ông cũng làm, từ chạy xe ôm, bốc vác thuê, sửa chữa thuê ô tô, xe máy, công nông cho các hiệu sửa xe. 
Hồi theo đoàn xe của thương gia Vàng Lù Pao, mỗi chuyến đi kéo dài mấy tháng trời, thành thử cả năm ông Lâm mới tạt qua nhà được vài ngày, đưa cho vợ con cọc tiền rồi lại đi biệt tăm. Vợ con cũng chẳng biết ông làm gì. 
Sau này, khi về lại Việt Nam, hết thuốc bệnh tái phát, sợ vợ con phải đau khổ khi chứng kiến cái chết từ từ của ông, hoặc khiêng ông xuống Hà Nội chữa trị một cách vô nghĩa, ông đã có một quyết định kỳ cục, đó là trèo lên đỉnh Fansipan tu thiền và chờ chết một cách lặng lẽ trên đó. Cuối năm 1998 ông bắt đầu thực hiện kế hoạch này. Người ốm yếu vì bệnh tật, khi đó, ông như người sắp chết, cứ bò lê bò lết từng bước một. Khi nào mệt thì quấn áo mưa ngủ, tỉnh dậy lại bò. 
Hàng ngày, ở trên đỉnh Fansipan ông Lâm mặc phong phanh trong giá lạnh và ngồi thiền, để cái lạnh không cho khối u phát triển.
Năm 1999, sau khi tình cờ gặp được cặp vợ chồng già người Pháp, ông Lâm kiên trì tìm lại con đường cũ lên đỉnh Fansipan mất tích đã mấy chục năm. Suốt 2 năm trời đằng đẵng, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngoài những lúc đi tìm thuốc, trồng thuốc, ông Lâm lại hì hụi với dao cuốc, xà beng. Ông Lâm chặt chém cả ngày, gai trúc xé toạc quần áo, da thịt tứa máu mà chỉ được vài mét đường. 
Sau mấy năm sống trong rừng, ông Lâm đã biến thành… người rừng thật sự. Cơ thể gầy còm như thiền sư, tóc phủ ngang vai, râu trùm kín mặt, buông thõng xuống tận ngực. Hồi ông đi qua thị trấn Sapa tìm về Lào Cai, người dân đổ ra đường xem kín mít. Người ta đồn ầm lên rằng, xuất hiện người rừng Hoàng Liên Sơn tại thị trấn Sapa.
Đa tài
Nấu nước bằng trúc 
Ông Lâm có thể nhóm lửa trong mọi hoàn cảnh, kể cả trời mưa 
Sau lần đầu bị từ chối, các đệ tử của Lìu Cắm Xìn lại kéo sang, mang theo cả tiền lẫn quà cáp, để nhắc lại lời mời. Đại ca giang hồ của họ, bị ông Lâm đánh trọng thương, đang phải ngồi xe lăn, không những không tìm cách trả thù, mà còn khâm phục khí khái của ông Lâm. Ông Lâm vừa bệnh tật, ốm yếu mà lại dám chống lại cả mấy người khỏe mạnh nên Lìu Cắm Xìn rất kính phục và mong mỏi được gặp ông. Và ông Lâm đã nhận lời.
Vàng Lù Pao chắc được Lìu Cắm Xìn kể chuyện, nên rất nể phục ông Lâm. Trong lần sang Trung Quốc lần ấy, ông Lâm được Pao mời làm công việc giám sát đội xe và sửa chữa khi gặp sự cố. Ngoài việc nuôi ăn uống, ngủ nghỉ, Pao trả lương cho ông 3.000 tệ/tháng, một mức lương rất cao hồi đó. Đoàn lái xe có 50 người, với 16 quốc tịch, nhưng chỉ có ông mới được ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với Vàng Lù Pao.
Học các thiền sư Tây Tạng, ông kiên trì luyện ngồi thiền, đặc biệt cả khi trời giá lạnh. Giờ đây, tuy khối u đã nằm im trong phổi, không phát triển nữa, nhưng cứ rỗi lúc nào, ông Lâm lại ngồi thiền. Ông Lâm chỉ mặc chiếc áo bộ đội phong phanh, hoặc cởi trần ngồi thiền. Ông ngồi như tượng mấy giờ liền, có những chuyến đi rừng, tuyết phủ trắng mái tóc pha sương.
Ông Lâm luyện được khả năng giữ cho bộ não hoạt động ở mức thấp nhất trong mọi hoàn cảnh. Khi tu thiền, bộ não của ông gần như không tiêu tốn năng lượng. Toàn bộ năng lượng dành để bảo vệ cơ thể. Chính vì thế, mỗi ngày, ông chỉ ăn 1 bát cơm vào bữa trưa, uống một cốc nước thuốc, song ông có thể đi liên miên trong rừng không cần nghỉ và cũng không thấy mệt.
Những năm trước, khi tìm lại đường cũ lên đỉnh Fansipan, ông Lâm đã có sáng tạo ra cách mở đường độc đáo. Ông rắc muối dọc con đường đó. Đàn trâu đồng bào thả vào rừng thấy muối nên cứ lần theo để ăn. Đàn trâu đi lại nhiều thì thành đường.
Trí nhớ tuyệt vời, biết ơn thầy và tâm huyết bảo tồn, phát triển các cây thuốc quý
Ông Lâm vốn có trí nhớ cực tốt, chỉ nhìn một lần là nhớ mãi, nên ông nhanh chóng tìm được nhiều loại thảo được cực quý, mà hầu hết những thảo dược ấy chưa từng được biết đến ở Việt Nam.
Ông Lâm vừa khai thác vừa bảo tồn cây thuốc một cách bền vững.
Ông Lâm chỉ tước một phần vỏ cây làm thuốc, chứ không bao giờ chặt hạ, phá hoại 
Bài thuốc trị ung thư phổi mà các thiền sư Tây Tạng chỉ cho ông Lâm gồm 7 loại chính, nhưng ông đã đi khắp đại ngàn Hoàng Liên, đến tận Mường Tè của đất Lai Châu, sang cả quả núi cao 3.900m cạnh Mường Tè thuộc đất Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên không thấy có một cây ngũ trảo long nào. 
Lần sang lại Tây Tạng gặp thiền sư Uy-ri-ang-kha-đa và được thầy cho 30 hạt ngũ trảo long. Ông Lâm quỳ xuống tạ ơn thầy và hứa sẽ không tiết lộ với ai. Khi vị thiền sư bước vào hang bắt đầu quá trình nhập tịch để được về cõi Phật, ông Lâm ngồi khóc. Ông vái lạy, khóc lóc ngoài cửa hang suốt mấy ngày rồi gạt nước mắt xuống núi về nước. Ông đem hạt về gieo trồng và giữ kín những loại cây thuốc này.
Ông Lâm trồng cây thuốc quý khắp rừng Hoàng Liên 
Rồi những lần nhìn những chuyến xe chở cỏ nhung ùn ùn sang bên kia biên giới, ông Lâm buồn muốn rơi nước mắt. Thương lái mua cỏ nhung của đồng bào với giá rẻ như bèo. Đau xót không tưởng tượng nổi.
Suốt 10 năm trời chăm bón, nhân giống thành vườn ngũ trảo long quý hiếm, đủ nguồn thuốc cho ông dùng và cứu được không ít người đang mắc bệnh ung thư quái ác như ông. Ông Lâm nói với nhà báo rằng, ông gieo rắc giống nhân sâm khắp núi cao rừng thẳm để mong loài sâm quý và các cây thuốc quý không bị tuyệt chủng ở Việt Nam.
Để có được củ thuốc quý nhỏ xíu này, phải mất 50 năm
Ông Lâm bảo, các nhà dược học Trung Quốc nói rằng: “Người Việt chết trên đống thuốc quý mà không biết”. Chúng ta nhổ sạch thảo dược quý bán cho họ với giá rẻ mạt, rồi lại mua thuốc của họ với giá cắt cổ.
Điều ông Lâm trăn trở, là bản thân ông không thể sống được mãi, nhưng lại chưa tìm được chỗ tin tưởng để chuyển giao những cây thuốc quý, để tìm cách gieo trồng, bảo tồn, cứu chữa người bệnh, làm giàu cho đất nước. Và khi ông mất đi, những loài thảo dược cực quý sẽ lại là cây rừng như triệu năm nay vẫn thế.
Một lòng với vợ con, thương người và yêu đất nước
Hồi bệnh mới phát, ông Lâm làm hùng hục để quên đau, để có tiền đem về cho vợ con. Ông Lâm liều nhận lời làm việc cho Vàng Lù Pao cũng vì thương “hậu phương” của mình. Về nhà thăm vợ con vài ngày, ông lặng lẽ balô túi xách lên đường.
Một lần dừng chân trên đường cùng Vàng Lù Pao, ông Lâm gặp một nhà sư ngồi bất động như đang thiền (chính là thiền sư Uy-ri-ang-kha-đa, sau này là ân nhân của ông). Ông Lâm nhìn thầy tu khổ hạnh xót cảm nên có mấy chục tệ trong túi ông dốc cả bỏ vào chiếc chậu đất.
Mấy năm trước bệnh hay tái phát, nhiều khi nhường thuốc cho những người bị bệnh như ông, ông uống không đủ, cơn đau thắt ngực lại kéo đến.
Ông rất buồn là nguồn thuốc quá ít, bị khai thác triệt để, ông lại phải tự đi lấy, không thể thuê được người (sợ lộ cây thuốc, sẽ bị nhổ sạch) nên không giúp được nhiều người.
Mấy năm nay, ông Lâm kiên trì tìm lại đồng đội của mình, hơn trăm người thì có tới chục người đang bị căn bệnh ung thư hành hạ. Họ đang sống nhờ những cây thuốc hiếm hoi của ông.
Trong chuyến đi sang Tây Tạng lấy thuốc, ông Lâm được chứng kiến cảnh một bà mẹ người Tây Tạng ngồi trên tảng đá bồng con hát ru. Tiếng hát lên cao xuống thấp, vang vọng não nề giữa cảnh núi rừng mênh mông. 
Anh giáo viên bản xứ đi cùng đã dịch cho ông Lâm nghe nội dung bài hát ru, đại để: "Có một đất nước phía Nam nhỏ bé, nóng lắm và có quả chuối, nhưng đã ba lần đánh thắng quân Nguyên hùng mạnh...". Đây là bài hát ru có từ 700 năm trước mà bà mẹ Tây Tạng nào cũng thuộc lòng. Nghe lời dịch đó, ông Lâm đã khóc nức nở. 
Từ đó ông có ý tưởng làm phim về đất nước Việt Nam tươi đẹp. Ý tưởng đó đã được Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Lao Cai biến thành 2 bộ phim truyền hình nhiều tập là Nơi ngọn nguồn sông Hồng và Địa đàng Hoàng Liên Sơn.
Ông Lâm là người dẫn tác giả đi tìm hàng chục "thung lũng chết", dãy núi chết chóc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn để cảnh báo nạn cháy rừng. 

Ông Lâm đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ cháy rừng Hoàng Liên Sơn. Và rừng đã cháy thảm khốc. Ông Lâm lại là người dẫn tác giả đi miên man nhiều ngày, xuyên qua mấy trăm héc-ta rừng pơ-mu khổng lồ cháy trụi để đau xót nhận ra rằng, rừng đã bị rút ruột sạch sẽ trước khi cháy. 
Khái tính
Khi con đường mới mở lên đỉnh Fansipan hoàn thành, nơi mà các vận động viên chạy lên chỉ mất 2 giờ đồng hồ, thì ông Trần Ngọc Lâm bị các vị lãnh đạo bỏ ra ngoài bộ nhớ. Ông lên tỉnh đòi tiền công mở đường, tỉnh chỉ về huyện, về huyện thì lại bảo lên tỉnh. Đòi mấy lần không được, ông Lâm cũng quên luôn. 
Ông Lâm đã từng đào được một củ sâm 800 tuổi ở độ cao 2.700m trên sườn Fansipan. Ông thừa biết giá trị củ sâm đó rất khủng khiếp, nhưng ông đã không bán nó sang Trung Quốc, vì người Trung Quốc biết Hoàng Liên Sơn có sâm quý, họ sẽ tìm sang thu mua tận diệt. Thế nên, thay vì bán củ sâm kiếm tiền tỉ, ông đã chặt khúc biếu hàng xóm, bạn bè, con cháu. Phần còn lại ông ngâm vào bình rượu to tướng và mời mọi người uống chơi.
Bình rượu ngâm một phần củ sâm 800 tuổi của ông Lâm 
Cách đây mấy năm, nghĩ gặp được vị GS-TS có uy tín, ông Lâm đã dốc lòng tâm sự. Ông đã cung cấp cho vị này vô số loại thảo dược rất quý, chưa có trong từ điển dược học nước nhà. Mặc dù ông Lâm nhớ lời hứa với vị thiền sư Tây Tạng là sẽ không tiết lộ những cây thuốc quý với ai, nhưng nếu cung cấp thông tin để vị GS này nghiên cứu, từ đó có biện pháp bảo tổn thảo dược quý, giúp hàng triệu bệnh nhân nước nhà thì sẽ có ý nghĩa hơn so với lời hứa. Trong một lần, vị GS uống hơi quá chén đã nói thẳng làm dự án trồng cây giảo cổ lam để kiếm chút chia nhau, chứ bảo tồn với chả bảo tàng, vườn thuốc vườn thiếc làm gì cho mệt. Nghe thế, ông Lâm im bặt, không hé răng một lời nào nữa về các loại cây thuốc quý trên núi Hoàng Liên Sơn.
Giảo cổ lam do ông Lâm chỉ cho vị GS nọ
Có thời gian, một cơ quan lớn dưới Hà Nội đã nhờ ông Lâm cung cấp giảo cổ lam với giá 200 ngàn đồng/kg, để họ bán về Hà Nội. Nếu cứ im ỉm chặt chém giảo cổ lam đem phơi, rồi đóng gói bán cho họ, ông Lâm sẽ giàu to. Tuy nhiên, ông không muốn người dân cả nước bị lừa đảo. Ông Lâm đã gọi điện cho nhà báo, đề nghị viết bài vạch mặt vị GS khả kính kia, cùng các doanh nghiệp, đã móc túi không biết bao nhiêu bạc tỉ từ những bệnh nhân ung thư, vốn đã kiệt quệ về tiền bạc.
Theo ông Lâm, giảo cổ lam cũng là vị thuốc quý, nhưng nó không thể trị được ung thư nếu không sử dụng với nhiều loại thảo dược khác nữa. Các doanh nghiệp toàn thu mua giảo cổ lam 3 lá ở vùng núi đá thấp quanh Hòa Bình để bán cho người dân. Ông Lâm khẳng định giảo cổ lam có tới mười mấy loại. Chỉ có loại 7 lá và 9 lá, uống đắng khủng khiếp là giảo cổ lam thực sự, có tác dụng tốt, còn lại chỉ là họ hàng nhà giảo cổ lam, giá trị dược liệu rất kém.
Đang thất vọng với vị GS nọ, thì ông Tổng giám đốc của một tập đoàn đông nam dược lớn nhất Việt Nam tìm gặp và mời ông Lâm làm Phó giám đốc. Một lần nghe vị Tổng giám đốc này ở Sơn Tây nói tào lao về các cây thuốc, ông Lâm chỉ thẳng vào mặt bảo: “Trước sau anh cũng phá sản”. Nói xong, ông xách ba lô về Lào Cai. Những ngày sau, ông giám đốc kia gọi điện, ông Lâm tắt máy. 
Sau khi mất niềm tin vào một số nhà nghiên cứu, mang danh giáo sư, tiến sĩ, mất niềm tin một tập đoàn đông nam dược lớn nhất nước, cả thời gian dài, ông Trần Ngọc Lâm không tiết lộ cây thuốc với ai nữa. 
Hồi nghe tin ông Lâm được các thiền sư Tây Tạng chỉ dẫn những cây thuốc quý trị ung thư, tiến sĩ, Thiếu tướng quân y Vương Đức Tài, Chủ nhiệm Trung tâm thuốc Trung y của Trung Quốc đã sang gặp ông Lâm và hứa sẽ tặng bạc tỉ nếu ông kể tên 7 cây thuốc chữa ung thư mà các thiền sư Tây Tạng sử dụng. Tuy nhiên, ông Lâm từ chối thẳng thừng. Một là lời hứa với vị thiền sư vẫn còn ám ảnh ông, hai là nói ra, người Trung Quốc tung tiền thu mua khiến những loại dược liệu quý này nhanh chóng tuyệt chủng không những ở Việt Nam mà còn sạch sẽ cả dãy Hymalaya.
Yêu thiên nhiên và muông thú
Chiều tà, trên núi, khi cảm thấy cô đơn, ông lại lôi chiếc sáo trúc tự tạo ra thổi. Mỗi khi tiếng sáo cất lên, bọn khỉ ở phía trên hang ông lại tìm đến, đứng lố nhố ở cửa hang, đu trên cây ngồi nghe như khán giả.
Khi ông Lâm thổi sáo, bầy khỉ sẽ tìm đến
Có bọn khỉ ở bên, ông Lâm cũng bớt buồn. Hàng ngày, ngoài lúc lấy thuốc, ông thường đi dọc đoạn đường lên Fan, để nhặt nhạnh những mẩu bánh mì, lương khô, thức ăn rơi vãi của khách leo núi, mang về cho bọn khỉ.
Ở một hang rất gần chỗ ông trú ngụ có vợ chồng nhà gấu ngựa. Hàng tháng trời ông Lâm tìm cách thân thiện với chúng bằng việc mang đồ ăn tới, song chẳng kết quả gì. Ông Lâm cứ kiên trì, sau mấy tháng, chúng mới chịu ăn và cũng tỏ ra thân thiện hơn với ông.
Đến bây giờ, nhắc lại đàn khỉ và gia đình nhà gấu, ông Lâm vẫn buồn. Ông bảo rằng, chính ông là người có lỗi với gia đình gấu và đàn khỉ, khi vì ông mà chúng phải bỏ đi.
Trong các chuyến xuyên rừng đi tìm thuốc quý, ông Lâm thường truy tìm dấu vết của đàn khỉ và vợ chồng nhà gấu. Phải mất gần một năm sau, ông Lâm mới tìm thấy vợ chồng nhà gấu, khi chúng đang trú ngụ trong hang đá trên một mỏm núi rất cao ở phía Tây đỉnh Fansipan, thuộc đất Lai Châu. 
Khách du lịch lên Fansipan thấy ông Lâm có vẻ là người đàn ông kỳ lạ nên thường bắt chuyện, làm quen. Ông Lâm trở thành người kể những câu chuyện huyền bí về đại ngàn Hoàng Liên Sơn, về mảnh đất Sapa huyền thoại.
Ông Lâm và khung cảnh tuyệt đẹp trên dãy Hoàng Liên Sơn 
Chuyện kể hấp dẫn nhất có lẽ là mối tình giữa chàng hạ sỹ y tá da đen người Senegan thuộc quân đội viễn chinh Pháp với một cô gái người Mông bản Sin Sìn Hồ bị cản trở và dè bỉu. Uất ức, cặp tình nhân đã cùng lên thiên đường bằng nắm lá ngón bên một cái thác trên đại ngàn Hoàng Liên này. Chính Tru-va viên trung úy Pháp dè bỉu họ và cùng đám sỹ quan đồng hương đã chôn hai người tại đó và đặt tên cho thác nước tuyệt đẹp này là thác Tình Yêu. Theo câu chuyên ông Christiane Pasquel Kagheau kể lại và chỉ dẫn, ông Lâm đã lần mò trong rừng tìm ngôi mộ của hai người, nhưng không thấy.
Những câu chuyện của ông Lâm về đại ngàn Hoàng Liên Sơn cứ miên man, kể mãi không hết…
Thác Tình yêu

Xem thêm:

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 1: Gia đình “người rừng” Hà Thị Dinh ở Thanh Hóa

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 2: Người đẹp Kăn Đân vào rừng ở ẩn

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 3: Kỳ tích sinh tồn cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 4: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm làm việc để chết và nhân duyên học được các bài thuốc tự chữa cho mình

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 5: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm lên đỉnh Fansipan để chết, đã phát hiện, bảo vệ và nhân rộng các cây thuốc quý

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 6: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm khôi phục con đường ngắn nhất lên đỉnh Fansipang và tham gia làm phim truyền hình

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 7: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm – hướng dẫn viên nghiệp dư, yêu và bảo vệ thiên nhiên


Nguồn tham khảo:
Các bài phóng sự gốc của nhà báo Phạm Ngọc Dương trên VTC:

An Bường